Ngọc Mai (Thanh Hóa)
Hiện nay, thuốc hạ sốt cho trẻ, đặc biệt là thuốc dạng gói paracetamol rất dễ mua, dễ sử dụng. Vì thế, hầu như các gia đình có con nhỏ đều có sẵn. Tuy nhiên, việc cất giữ cũng như cho trẻ uống với liều lượng như thế nào thì không phải ai cũng biết. Nhiều trường hợp trẻ nhỏ đã phải nhập viện vì ngộ độc paracetamol.
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt phải đúng liều.
Việc dùng thuốc hạ sốt thế nào cho đúng để vừa tránh được những tai biến do thuốc gây ra và đạt được hiệu quả là rất cần thiết. Hiện nay để hạ sốt có 2 cách dùng thuốc chủ yếu là đường uống và đặt hậu môn. Với việc hạ sốt bằng đường uống, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc hạ sốt nhưng thông thường nhất là loại chứa paracetamol (efferalgan, paracetamol, panadol...).
Khi sử dụng các loại thuốc này tại nhà, bạn cần lưu ý: Phải dùng đúng liều. Liều dùng tính theo cân nặng của trẻ, mỗi lần 10mg -15mg/kg. Mối lần uống thuốc cách nhau 4-6 giờ, trong 1 ngày không dùng thuốc hạ sốt quá 6 lần. Không được cho trẻ dùng đồng thời cả thuốc đặt và thuốc uống cùng chứa paracetamol, dễ bị quá liều, gây hạ nhiệt độ quá nhanh lên thân nhiệt của trẻ và ngộ độc thuốc.
Khi bị ngộ độc (uống paracetamol quá liều), khoảng vài giờ, thường là dưới 24 giờ, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau bụng, chán ăn. Nếu tiếp tục cho trẻ dùng liều cao vài lần, các biểu hiện ngộ độc của trẻ đã tăng lên nhiều và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Từ 24 - 48 giờ, các triệu chứng về gan ở trẻ nặng lên. Trường hợp nặng, trẻ có thể bị suy thận, suy tim, rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong.
Vì vậy, bất kỳ loại thuốc điều trị nào, kể cả thuốc hạ sốt thông thường cần phải tuân thủ đúng liều chỉ định của bác sĩ hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất.