Hạ sốt cho trẻ

18-12-2018 13:05 | Dược
google news

SKĐS - Cần biết, sốt là một phản ứng có lợi cho cơ thể. Thông thường, khi trẻ bị nhiễm trùng, đặc biệt bị viêm nhiễm đường hô hấp, phản ứng đầu tiên của cơ thể trẻ đối với viêm nhiễm là sốt.

Khi nhiệt độ tăng lên, các chất hóa học trung gian trong cơ thể sẽ được giải phóng ra, hệ thống miễn dịch (tức sự đề kháng) được hỗ trợ, tăng cường để nhanh chóng tiêu diệt, loại các mầm bệnh (như virus, vi khuẩn) ra khỏi cơ thể. Khi bị nhiễm trùng mà không sốt, đó là một dấu hiệu không tốt. Nhưng sốt cao và kéo dài lại có hại cho trẻ.

Khi trẻ bị sốt cao 380C trở lên, nên sử dụng các biện pháp hạ thân nhiệt để hạ sốt cho trẻ.

Bên cạnh dùng thuốc hạ sốt, có thể hạ nhiệt cho trẻ bằng cách không dùng thuốc như sau:

Để bệnh nhi nằm chỗ thoáng mát (nghĩa là nhiệt độ nơi nằm phải thấp hơn nhiệt độ cơ thể 5 - 60C) và nhớ tránh gió lùa.

- Cho bệnh nhi mặc quần áo mỏng, thoáng (tránh thói quen ủ, trùm nhiều quần áo, chăn mền).

- Lau bằng nước ấm (30 - 320C, tức nước có nhiệt độ vừa phải, chứ không phải nước quá lạnh, nước đá).

- Nhúng khăn và lau toàn thân bệnh nhi. Nên cho trẻ uống niều nước.

- Tuyệt đối không dùng nước đá để chườm cho trẻ sẽ khiến trẻ bị sốt cao hơn do cơ chế co mạch ngoại vi.

Hạ sốt cho trẻ

Hạ sốt cho trẻ dùng thuốc gì?

Để hạ sốt thuốc thường được dùng là: aspirin và paracetamol. Trong 2 loại thuốc này, paracetamol được xem là tương đối an toàn. Aspirin giảm đau hạ nhiệt tốt nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ, đặc biệt gây tổn hại niêm mạc dạ dày - tá tràng và tăng nguy cơ xuất  huyết. Nên lưu ý không được dùng aspirin khi nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết. Không nên dùng paracetamol quá thường xuyên và phải dùng thật đúng liều. Tóm lại, thuốc hạ sốt cho trẻ nên dùng là paracetamol.

Nên lưu ý có hai loại thuốc hạ sốt chứa dược chất paracetamol. Một là thuốc chỉ chứa paracetamol không thôi (nhiều dược phẩm xem kỹ sẽ thấy trong công thức chỉ chứa một thuốc thôi là paracetamol), đây có thể xem là thuốc giảm đau hạ nhiệt thông thường. Loại thuốc thứ hai là loại phải thật thận trọng trong sử dụng: đó là thuốc phối hợp đến ba dược chất. Một là paracetamol, hai là thuốc kháng histamin trị dị ứng là clorpheniramin, ba là thuốc có tác dụng co mạch, làm tan máu chống sung huyết ở niêm mạc mũi dùng để trị nghẹt mũi, sổ mũi là phenylpropanolamin (nay đã bị cấm), phenylephrin, pseudoephedrin.

Đối với trẻ con còn quá nhỏ tuổi, tránh dùng thuốc trị hạ sốt có chứa chất co mạch chống sung huyết cho các cháu, thậm chí không được dùng thuốc nhỏ mũi có chứa chất co mạch để nhỏ mũi máu. Bởi vì thuốc không chỉ có tác dụng làm co mạch ở niêm mạc mũi mà còn có tác dụng gây co mạch ở các nơi khác như gan, tim, thận… của trẻ, và trẻ con cơ thể của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh để có thể chấp nhận được tình trạng này. Đối với trẻ bị sốt chỉ nên cho dùng paracetamol đơn chất và nên dùng dạng thuốc lỏng có mùi vị thơm ngon để cho trẻ dễ uống. Đối với trẻ quá nhỏ hoặc trẻ lớn nhưng bị buồn nôn khó uống thuốc, nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt là thuốc đạn đặt vào hậu môn.

Hạ sốt cho trẻParacetamol được xem là tương đối an toàn

Cũng có thuốc hạ sốt ibuprofen dùng cho trẻ (ibuprofen là thuốc chống viêm không steroid giống như aspirin) nhưng lưu ý phải dùng thật đúng liều (các bậc phụ huynh nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc về liều).

Dùng thuốc hạ sốt paracetamol đúng cách:

- Paracetamol chỉ trị triệu chứng sốt, dùng thuốc sẽ hết sốt nhưng hết thuốc có thể sẽ sốt trở lại khi nguyên nhân bệnh lý gây sốt vẫn còn. Vì vậy, chỉ dùng thuốc paracetamol trong một thời gian thường 3 ngày, nếu sốt tái diễn hoặc tăng thêm, rất cần đưa trẻ đi khám bác sĩ  hoặc đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và cho hướng điều trị thích hợp.

- Liều thông thường hạ sốt cho trẻ là 10 - 15mg/kg cân nặng ngày uống 3 - 4 lần, và liều tối đa cho trẻ là không quá 60mg/kg/ngày.

Các trường hợp sau nên đưa trẻ đi bệnh viện hoặc đến khám bác sĩ:
- Sốt nhẹ nhưng kéo dài (sau nhiều ngày dùng thuốc không hạ sốt): trẻ có thể bị bệnh lao nhiễm, bị bệnh về máu.
- Sốt cao kèm theo một triệu chứng. Trẻ bị sốt xuất huyết kèm theo sốt cao, dùng thuốc không hạ sốt, còn có các vết bần tím, chấm xuất huyết ngoài da hoặc đau bụng. Hoặc trẻ sốt cao kèm theo khó thở, nhịp thở nhanh, trẻ có thể bị viêm phổi.


PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Ý kiến của bạn