Hà Nội yêu cầu tập huấn xử lý tình huống sư phạm cho 100% giáo viên

22-08-2019 15:02 | Thời sự
google news

SKĐS - Đây là một trong những nhiệm vụ được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao cho hiệu trưởng các trường trực thuộc, các phòng giáo dục của các quận huyện trên địa bàn về tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học, giáo dục an toàn giao thông năm học 2019-2020.

Chỉ đạo này được đưa ra ngay sau vụ việc một giáo viên của cơ sở mầm non Maple Bear Westlake Point (24 Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội), thuộc hệ thống trường Maple Bear Việt Nam, nhốt học sinh trong tủ quần áo, gây bức xúc dư luận.

Theo đó, các hiệu trưởng cần chủ động dành thời gian tổ chức một buổi tập huấn đến 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên về tăng cường kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm trong bối cảnh hiện nay và quán triệt đầy đủ nội dung những văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học.

Vấn đề giáo dục giới tính, chống xâm hại trẻ em cũng là một nội dung được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh. Cụ thể, Sở yêu cầu các trường tuyên truyền nâng cao kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng chống xâm hại trẻ em cho nhà giáo, cán bộ, nhân viên trong nhà trường. Trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh tuyên truyền để cha mẹ học sinh thấy rõ trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục giới tính và bảo vệ con em mình phòng tránh nguy cơ bị xâm hại. Nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm tạo điều kiện cho học sinh được nâng cao nhận thức, kiến thức về giáo dục giới tính, kỹ năng, biện pháp tự bảo vệ mình tránh khỏi các tình huống bạo lực, xâm hại.

Một buổi ngoại khóa chống xâm hại trẻ em cho học sinh (Ảnh minh họa)

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tuyên truyền, cung cấp thông tin về Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 – trực 24/24 và miễn phí cước cuộc gọi. Công tác bảo vệ phải được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ khách đến liên hệ công tác, người lạ vào trường học. Phương tiện xe cơ giới ra vào trường học, đặc biệt vào các thời điểm có học sinh hoạt động và vui chơi trong khuôn viên nhà trường phải được giám sát chặt chẽ. Cơ sở vật chất (tường bao, móng, trần, tường, cống rãnh, máng, cây xanh...), hệ thống điện phải được kiểm tra để phát hiện các nguy cơ mất an toàn và có biện pháp khắc phục kịp thời, không để xảy ra tai nạn thương tích trong trường học.

Trong giáo dục an toàn giao thông, trường tổ chức triển khai ký cam kết với cha mẹ học sinh không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy. Học sinh phải cam kết nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông, trong đó chú trọng việcđội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông.

Nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực cổng trường, không để xảy ra ùn tắc giao thông; phối hợp với các lực lượng chức năng nghiên cứu mở các cửa phụ, tổ chức các điểm dừng, đỗ cho phương tiện chờ, đưa đón học sinh giảm ùn tắc giao thông.

Đối với các trường có học sinh đưa đón bằng xe ô tô, các đơn vị chủ động lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe đảm bảo chất lượng, yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn. Lái xe phải có ý thức tốt, có trách nhiệm cao, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Lãnh đạo nhà trường phải xây dựng nguyên tắc quy trình đón, nhận trẻ từ gia đình (điểm đón trẻ) lúc đến trường và trong thời gian học tập tại trường cho đến khi bàn giao trẻ cho gia đình bảo đảm chặt chẽ, rõ trách nhiệm thông báo rộng rãi quy trình này đến cán bộ giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh để cùng phối hợp thực hiện bảo đảm an toàn cho học sinh.

Trước đó, ngày 6/8, một học sinh của Trường Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã được phát hiện tử vong trên xe buýt đưa đón học sinh của trường. Nguyên nhân ban đầu do trẻ bị bỏ quên trên xe suốt 9 tiếng đồng hồ. Vụ việc hiện vẫn đang được cơ quan an ninh điều tra làm rõ.



P. Mai
Ý kiến của bạn