Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến 30/6/2019, tổng số cơ sở hành nghề y ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội là 3.788 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có 38 bệnh viện với 1.435 giường bệnh, 170 phòng khám đa khoa, 725 cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền, 2.855 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế; 7.728 cơ sở hành nghề dược với 1.165 công ty, 3.880 nhà thuốc, 2.530 quầy thuốc và 153 cơ sở kinh doanh dược với các hình thức tổ chức khác.
Hiện nay Sở Y tế Hà Nội gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước ở một số vấn đề như các văn bản pháp luật còn thiếu tính đồng bộ, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn khách quan, trong quá trình thực hiện các quy định của luật, nghị định, thông tư, Sở Y tế phải thường xuyên xin ý kiến hướng dẫn bổ sung của Bộ Y tế.
Đối với tổ chức, công dân cũng gặp khó khăn trong việc đáp ứng các quy định mới khi lần lượt các năm 2016, 2017, 2018 Quốc hội, Chính phủ ban hành các nghị định mới liên quan đến hoạt động hành nghề y, dược có nhiều nội dung thay đổi tác động đến điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề và cấp phép hoạt động.
Trong công tác quản lý nhà nước, lực lượng trực tiếp làm công tác quản lý hành nghề còn ít trên số lượng rất lớn các cơ sở hành nghề.
Hà Nội có hàng nghìn quầy thuốc, nhà thuốc tư nhân. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, mặc dù Sở Y tế đã tập huấn, nhắc nhở, hướng dẫn bằng nhiều văn bản nhưng cá nhân, tổ chức hành nghề chưa chủ động nghiên cứu và cập nhật văn bản mới. Ngoài ra vẫn còn tồn tại tình trạng hành nghề không phép trên địa bàn thành phố do nguyên nhân từ phía người hành nghề chưa chấp hành nghiêm pháp luật, có các hình thức, phương thức trốn tránh hoặc chống đối tinh vi.
Tại buổi làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP với Sở Y tế về việc chấp hành các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội, bà Lê Thị Thu Hằng, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội cho rằng, Sở Y tế cần đánh giá kỹ công tác kiểm tra, xử lý và kiến nghị chế tài như thế nào cho phù hợp. Bên cạnh đó, Sở đã có văn bản chỉ đạo rất kịp thời, nhưng đối với cấp huyện thì vai trò của Phòng Y tế trong công tác tham mưu cho quận huyện còn chưa rõ vì vậy cần nâng cao hiệu quả triển khai, hướng dẫn cho cơ sở.
Số lượng cơ sở y dược tư nhân lớn, việc kiểm tra giám sát khó khăn
Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho rằng, cần phát huy hiệu quả giám sát từ cơ sở bởi địa bàn Hà Nội rất rộng, số lượng cơ sở hành nghề y, dược tư nhân rất lớn nên việc kiểm tra, giám sát từ Sở Y tế là rất khó khăn. Đại biểu cũng quan tâm tới chất lượng an toàn khám bệnh bởi thực tế qua giám sát cho thấy, nhiều cơ sở y, dược tư nhân chưa có quy trình chuyên môn được Sở Y tế thẩm duyệt, cơ sở vật chất cũng không đảm bảo, xuống cấp.
Ông Vũ Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn Hà Nội cho rằng, việc cấp phép hành nghề phải hết sức chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình, quy định, có chế tài rõ ràng, không thể tách rời quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Vấn đề chất lượng thuốc cũng cần phải chú trọng quản lý. Theo xu hướng thì khuyến khích loại hình y tế tư nhân nhưng nhà nước phải quản lý chặt chẽ.
Bà Nguyễn Thị Tú Anh, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội cho rằng, về nguyên tắc cơ sở chưa được cấp phép thì không được hoạt động nhưng thực tế vẫn có các cơ sở như vậy tồn tại. Ngoài ra, Sở cần làm rõ hiện có bao nhiêu cơ sở hành nghề có yếu tố nước ngoài và quản lý các yếu tố nước ngoài này ra sao nếu bác sĩ người nước ngoài không thường xuyên đến, không đăng ký theo quy định.
Giải trình các nội dung đoàn giám sát nêu, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, trong thời gian qua Sở đã chú trọng công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn nghiệp vụ đối với cấp huyện, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong cải cách thủ tục hành chính, quản lý hoạt động hành nghề y, dược tư nhân. Cùng với đó, Sở cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với cấp cơ sở, tuy nhiên số lượng cơ sở hành nghề rất lớn mà lực lượng quản lý thiếu nên chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý.
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, văn bản mới ban hành và cập nhật liên tục nên công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn trong triển khai tới cơ sở. Ngoài ra, chứng chỉ hành nghề có giá trị trong toàn quốc, hiện Bộ Y tế chưa có phần mềm quản lý thống nhất nên quản lý cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, công tác kiểm tra cũng gặp khó khăn vì các phòng khám, cơ sở kinh doanh y, dược tư nhân thường xuyên lách luật.
Kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Thanh Bình đánh giá, sự phát triển của cơ sở y, dược tư nhân mạnh mẽ trong thời gian qua đã cho thấy Hà Nội luôn là trung tâm y tế của cả nước, nhiều dịch vụ y tế tư nhân kỹ thuật cao có tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển của y tế công lập, góp phần chăm sóc tốt hơn sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy mặc dù công tác quản lý nhà nước đã được Sở Y tế chú trọng nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại, trong đó có cả việc phân cấp chưa rõ ràng, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh. Vì vậy, trưởng đoàn giám sát đề nghị Sở Y tế cần tăng cường tham mưu giải pháp cho thành phố để quản lý lĩnh vực này đi vào nền nếp, đặc biệt là vấn đề phân cấp đối với quận huyện, xã phường cho phù hợp với thực tế của Thủ đô.