Hà Nội

Hà Nội yêu cầu tăng cường bắt chó thả rông trong các khu đô thị

18-06-2023 09:31 | Xã hội
google news

SKĐS - Các đội bắt chó thả rông cần duy trì và tăng cường hoạt động, đặc biệt là tại các khu vực đô thị, đông dân cư sinh sống.

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản gửi các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành yêu cầu triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố. trong đó nhiệm vụ của UBND các quận, huyện, thị xã là thành lập, duy trì, tăng cường hoạt động có hiệu quả các đội bắt chó thả rông và có cơ chế, chính sách cho các đội bắt chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị.

Hà Nội: Tăng cường hoạt động bắt chó thả rông trong các khu đô thị - Ảnh 1.

hà Nội yêu cầu các quận, huyện duy trì hoạt động của các đội bắt chó thả rông.

Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở Y tế thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo xây dựng và duy trì vùng an toàn dịch bệnh dại theo mục tiêu đã đề ra.

Cùng với đó, phải mở rộng số lượng điểm tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại, đảm bảo việc dễ tiếp cận vắc xin phòng bệnh cho người, phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.

Đặc biệt, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn.

Hà Nội: Tăng cường hoạt động bắt chó thả rông trong các khu đô thị - Ảnh 2.

Hà Nội: Tăng cường hoạt động bắt chó thả rông trong các khu đô thị - Ảnh 3.

Trong kế hoạch phòng, chống bệnh dại, việc triển khai lập đội bắt chó thả rông được người dân đồng tình, ủng hộ.

Hà Nội yêu cầu thực hiện tốt việc quản lý chó, mèo nuôi; thống kê chính xác đàn chó, mèo nuôi; cập nhật thông tin và lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn. Hằng năm, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tổ chức tiêm phòng vắc xin dại tại các điểm tập trung ở các thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân cư… cho đàn chó, mèo vào tháng 3, 4, đảm bảo tỷ lệ trên 90% tổng đàn.

Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có tổng đàn chó, mèo rất lớn, từ 421 nghìn đến 460 nghìn con và đang có xu hướng gia tăng. Người dân sống ở vùng đô thị, nhất là các khu chung cư cao tầng có xu hướng nuôi chó cảnh, nhất là các loại chó quý, có giá trị kinh tế cao, có cả các loại chó to, chó dữ.

Theo Điều 7, Nghị định 144/2021 của Chính phủ về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, nơi sinh hoạt chung hay vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.

Trường hợp người chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác, có thể bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng. Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 chủ vật nuôi có thể bị xử phạt 1 - 2 triệu đồng nếu có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó khi đưa ra nơi công cộng, không tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm.

Trường hợp vật nuôi thả rông tấn công, lây bệnh hoặc gây tai nạn cho người đi đường thì người chủ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho nạn nhân. Cụ thể, vật nuôi gây ra thiệt hại về tài sản cho người khác thì chủ phải bồi thường theo quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự. Trường hợp gây tổn hại đến sức khỏe cho người khác, chủ vật nuôi phải bồi thường các chi phí như cứu chữa, điều trị, tổn thất về tinh thần,... cho nạn nhân theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự.

Nếu dẫn đến chết người, chủ vật nuôi còn phải bồi thường thêm chi phí mai táng và cấp dưỡng cho bị hại theo khoản 2 Điều 591 Bộ luật Dân sự.

Xem thêm video được quan tâm:

Khiếp Sợ Du Khách Nước Ngoài Bị Chó Thả Rông Lao Đến Tấn Công Khiến 2 Cánh Tay Bị Thương Nặng.


Thành Long
Ý kiến của bạn