Theo đó, các đơn vị xây dựng kế hoạch tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19, kích hoạt giường điều trị được phân công theo tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.
Cùng với đó là kiểm tra, bảo trì hệ thống khí oxy, liên hệ nhà cung cấp oxy đảm bảo đáp ứng đủ oxy cho công tác điều trị khi cần thiết.
Với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ COVID-19 điều trị nội trú, test nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ mắc COVID-19 nên xét nghiệm PCR để chẩn đoán, tránh bỏ sót ca bệnh khiến dịch bệnh lan rộng. Theo dõi, quản lý chặt với người nhập viện điều trị nội trú, phẫu thuật, thủ thuật có dấu hiệu ho, sốt.
Trong điều trị, hạn chế việc chuyển người bệnh lên tuyến trên bằng cách tăng cường hội chẩn tại bệnh viện, hội chẩn với tuyến trên theo phân tuyến hỗ trợ chuyên môn.
Trường hợp phải chuyển tuyến cần liên hệ trước với bệnh viện đến và đảm bảo an toàn đối với người bệnh khi chuyển viện.
Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Thanh Nhàn, chuyên khoa đầu ngành hồi sức cấp cứu và Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, đầu ngành truyền nhiễm rà soát nhân lực, trang thiết bị, quy trình chuyên môn…của mạng lưới hồi sức cấp cứu và truyền nhiễm đảm bảo đáp ứng tốt cho công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tổ chức tập huấn, tập huấn lại về hồi sức cấp cứu và điều trị người bệnh COVID-19 cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố.
Được biết, từ đầu năm 2023 đến ngày 26/4, thành phố Hà Nội ghi nhận 3.995 ca mắc COVID-19, bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã và không có tử vong. Hiện số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện là 391, trong đó 353 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và trung bình.