Chiều 27/6, Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc với UBND quận Nam Từ Liêm, Quận Cầu Giấy về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Báo cáo của Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 25/6, trên địa bàn quận đã ghi nhận 244 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, thuỷ đậu, quai bị, ho gà, sốt phát ban dạng sởi, viêm phổi nặng do vi rút (gấp hơn 1,5 lần so với năm 2016).
Riêng đối với bệnh thuỷ đậu, toàn quận đã ghi nhận 95 ca mắc (tăng gấp gần 5 lần so với năm 2016), trong đó quận đã ghi nhận 4 ổ dịch thuỷ đậu tại 3 trường mầm non gồm: Mầm non Phú Đô (10 ca); mầm non Tây Mỗ B (25 ca); mầm non Ánh Sao Sáng (7ca) và trường liên cấp Việt Úc-Hà Nội (5 ca). Tại các trường mầm non, Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tiến hành phun cloramin B xử lý triệt để. Nhờ vậy, hiện tại, các ổ dịch đều đã được kiểm soát.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay, tại quận Nam Từ Liêm cũng ghi nhận 94 ca mắc (tăng gấp 4 lần so với năm 2016), trong đó phường Mễ Trì có số ca mắc cao nhất (với 44 ca), tiếp đến là phường Trung Văn (23 ca)…. Để phòng chống dịch bệnh này lây lan ra cộng đồng, ngày 22/6, Quận Nam Từ Liêm đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tiến hành phun hoá chất diện rộng tại phường Mễ Trì nhưng kết quả mới đạt 88,6%.
Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh thủy đậu cho trẻ
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh quận Cầu Giấy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận ghi nhận 92 ca mắc sốt xuất huyết. Hiện vẫn còn 11 bệnh nhân đang điều trị. Quận cũng ghi nhận 12 ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó 11 ổ dịch đã được xử lý triệt để, chỉ còn ổ dịch tại phường Mai Dịch đang hoạt động. Đây là ổ dịch có nhiều bệnh nhân mắc nhất (với 26 bệnh nhân).
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 22/6, Hà Nội đã có trên 2.000 người bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ 2016.
Các quận nội thành, dân cư tập trung đông như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm đang là những khu vực trọng điểm sốt xuất huyết. Theo ông Hạnh, thông thường mùa dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội là tháng 9-11 hằng năm, nhưng năm nay mùa dịch bắt đầu từ rất sớm - từ đầu tháng 5, đã có một nữ sinh viên 19 tuổi tử vong sau nhiều năm Hà Nội không có người sốt xuất huyết tử vong.
"Diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội trong năm nay phức tạp do chu kỳ dịch có sự thay đổi bất thường, không theo chu kỳ dịch những năm trước thể hiện ở số ca mắc tăng nhanh và cao sớm so với chu kỳ dịch những năm trước từ 2-3 tháng. Dịch được ghi nhận trên diện rộng và xuất hiện nhiều ổ dịch phức tạp có quy mô xã, phường với số bệnh nhân cao"- ông Hạnh nói.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, hiện chưa có thuốc đặc trị nên việc phun hoá chất, diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng, xử lý ổ bọ gậy, không để muỗi có nơi đẻ trứng là phương pháp hiệu quả nhất. Do đó, UBND các quận cần tăng cường kiểm tra, giám sát các phường, tập trung chống dịch ở những nơi đang có dịch, đồng thời chủ động phòng chống dịch bệnh ở những nơi chưa có dịch. Mặt khác, tổ chức họp tổ dân phố để tuyên truyền cho người dân thay đổi nhận thức, tích cực phòng chống dịch bệnh bằng cách vệ sinh môi trường, phối hợp với cơ quan trong việc chấp hành phun hoá chất diệt côn trùng, diệt bọ gậy.
1. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
2. Những trường hợp mắc bệnh Thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Tiêm vắc xin phòng bệnh Thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.