Các đoàn kiểm tra của Hà Nội đã tiến hành thanh, kiểm tra 102.945 lượt cơ sở về an toàn vệ sinh thực phẩm, phát hiện và xử phạt 6.859 cơ sở với số tiền 25,086 tỷ đồng.
Gần 940 đoàn thanh, kiểm tra về ATTP
Theo thông tin của Sở Y tế Hà Nội, năm 2018, TP. Hà Nội vẫn duy trì và thực hiện tốt các chương trình, mô hình điểm về ATTP, xây dựng 8 tuyến phố ATTP có kiểm soát, triển khai kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người tại 10 quận, huyện; xây dựng ATTP 60 tuyến phố văn minh. Việc quản lý ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và quản lý các bếp ăn tập thể được đẩy mạnh; việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với việc kinh doanh thực phẩm và thức ăn đường phố được triển khai tại 100% quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn... Thành phố đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc methanol và kiểm tra việc lưu hành sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa đăng ký bản công bố sản phẩm.
Nhằm giám sát, quản lý chặt chẽ các quy định đảm bảo ATTP tại các cơ sở, toàn thành phố đã thành lập 938 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; trong đó có 745 đoàn liên ngành, 193 đoàn kiểm tra chuyên ngành của y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các đoàn đã tiến hành thanh, kiểm tra 102.945 lượt cơ sở, phát hiện và xử phạt 6.859 cơ sở với số tiền 25,086 tỷ đồng; hủy sản phẩm của 125 cơ sở.
Đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội kiểm tra ATTP tại lễ hội.
Trong số trên, tuyến thành phố đã kiểm tra 577 cơ sở, xử lý 15 cơ sở, phạt với số tiền hơn 1,848 tỷ đồng. Tuyến thành phố cũng đã lấy 1.389 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại labo xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, 1.260/1.389 mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh, lý hóa (đạt tỷ lệ 90,7%). Các mẫu không đạt có 4 mẫu thịt lợn, 6 mẫu thịt gà phát hiện salmonella; 6 mẫu rau vượt giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; 41 mẫu thủy sản dư lượng kháng sinh chloramphenicol, ciprofloxacin, thủy ngân, enrofloxacin; 2 mẫu quả vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...
Phòng ngừa ngộ độc rượu dịp Tết
Về công tác đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ nay đến hết 25/3/2019, toàn thành phố sẽ đẩy mạnh truyền thông, phổ biến kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và lễ hội Xuân 2019.
Nội dung tuyên truyền, nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về vệ sinh ATTP trong dịp Tết, lễ hội; làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, của người quản lý, của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, ATTP; tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết và mùa lễ hội.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra liên ngành. Các đoàn thanh tra, kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định. Tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường; không để các sản phẩm quảng cáo sai quy định tiếp tục lưu hành; không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả. Trong quá trình thanh, kiểm tra và xử lý các vi phạm, các đoàn của tuyến trên có thể chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng của địa phương để tiếp tục xử lý theo quy định.
Cấp thành phố sẽ tổ chức 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP, kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và sở, ngành. Kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn được phân công.
Cấp huyện thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành ATTP kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác đảm bảo ATTP tại các xã, phường, thị trấn. Kiểm tra lễ hội, các cơ sở, dịch vụ, cơ sở sản xuất hộ gia đình, đại lý kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận, huyện, thị xã quản lý. Cấp xã, phường, thị trấn tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành ATTP kiểm tra tại các lễ hội, cơ sở phục vụ, dịch vụ, cơ sở bán lẻ..., chợ và thức ăn đường phố trên địa bàn xã, phường.