Một nguồn tin cho biết Công an quận Đống Đa (TP Hà Nội) đã tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với tài xế ô tô Hyundai 7 chỗ mang biển số 29A - 784.09.
Lực lượng Công an đã áp giải tài xế này về trụ sở Công an quận Đống Đa ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn để tạm giữ.
Trong diễn biến liên quan, bước đầu cơ quan chức năng đã xác định được danh tính các nạn nhân bị ô tô “điên” đâm, gồm: Chị Lê Thị T.H. (SN 1977, công nhân môi trường đã tử vong); anh là Lê Thành Đạt (SN 1997, điều khiển xe máy biển số 18L1-255.83; đang được cấp cứu tại bệnh viện); chị Dương Thị Ánh Ngọc (SN 1992, người lái chiếc ô tô Mercedes màu trắng mang BKS 30F-198.31; không bị thương tích).
Thông tin ban đầu cho hay, tài xế gây tai nạn có dấu hiệu say xỉn. Trước đó, vụ tai nạn xảy ra vào khuya ngày 22/4, chiếc ô tô “điên” đã đâm 2 xe máy ở địa chỉ số 1 Vĩnh Hồ, sau đó bỏ chạy ra đường Láng thì đâm vào một nữ công nhân môi trường và chiếc ô tô khác.
Khi tài xế phóng xe đến 81 Láng Hạ thì không di chuyển được nữa nên bị cảnh sát và người dân khống chế bắt giữ.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, uống rượu bia rồi tham gia giao thông là điều đặc biệt nguy hại. Sử dụng rượu bia còn làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông cho người lái xe, do cơ thể phản ứng chậm, do sự phối hợp các hoạt động bị hạn chết, tầm nhìn ảnh hưởng. Việc sử dụng rượu bia gây nhiều hệ luỵ hung hăng, bạo lực, an toàn xã hội dẫn đến tội phạm.
Một vấn đề đáng báo động là sử dụng rượu, bia tại Việt Nam đang ngày càng trẻ hóa. Xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia là một vấn đề nghiêm trọng do các hệ lụy về sức khỏe, xã hội đối với giới trẻ. Tỷ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên là 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ.
Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013 có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất 1 lần.
PGS.TS Phạm Việt Cường - Trường ĐH Y tế công cộng cho biết: "Sử dụng rượu, bia ở trẻ em và thanh thiếu niên gây hậu quả nghiêm trọng hơn đối với người lớn do não bộ của một người trưởng thành tiếp tục phát triển đến tuổi 25.
Việc sử dụng rượu bia ở tuổi vị thành niên, thanh niên có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển đó trong khi não bộ của vị thành niên đặc biệt dễ bị tổn thương bởi rượu bia. Đồng thời, tuổi sử dụng rượu bia càng sớm thì nguy cơ lệ thuộc rượu bia càng cao".
Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có các biện pháp điều tiết kịp thời bằng các cơ chế chính sách, pháp luật thì hậu quả sẽ ngày càng trầm trọng và khó khắc phục.