Những chiếc xe khách “nhái” màu sơn đỏ vàng trắng của xe buýt thật (xe buýt của Công ty vận tải Hà Nội) ngày càng lộng hành, ngang nhiên dừng đỗ bắt khách dọc đường, thậm chí đậu cả vào điểm đỗ của xe buýt thật để giật khách. Thực trạng này đã xảy ra từ lâu, song không được giải quyết triệt để khiến dư luận bức xúc. Phải chăng xe buýt giả lộng hành đã... nhờn luật?
Đã lên xe là bị... “chém”
Từ thông tin phản ánh của người dân về những chuyến xe buýt lạ chạy trên các tuyến đường Hồ Tùng Mậu và Phạm Hùng (Hà Nội), PV báo SK&ĐS đã bám theo tuyến chạy của những chiếc xe buýt này. Ghi nhận từ PV, chỉ trong khoảng thời gian hơn 30 phút tại điểm chờ xe buýt trước cổng đình Mai Dịch trên đường Hồ Tùng Mậu, nơi tiếp nhận hầu hết xe buýt từ các bến Kim Mã, Yên Nghĩa, Mỹ Đình... chạy từ khu vực trung tâm Hà Nội ra ngoại thành phía Tây có hơn 10 lượt xe buýt kiểu này tấp vào đón khách. Cũng theo quan sát và ghi nhận, hầu hết những chiếc xe này đều đến từ thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì. Chúng chạy dọc theo QL32, đến đường Hồ Tùng Mậu, rẽ sang đường Phạm Hùng rồi chạy thẳng đến khu vực cổng bến xe Mỹ Đình. Đặc điểm chung của những xe này là màu sơn y hệt xe buýt nhưng không có phù hiệu, không có logo nhận diện thương hiệu do Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cấp, dừng đỗ, đón trả khách vô tội vạ trên đường.
Chiếc xe buýt nhái mang biển số 29B - 077-96.
Bám theo chiếc xe buýt giả mang biển số 29T - 8015 cho thấy nhà xe ghi tuyến chạy từ Sơn Tây - Cẩm Lĩnh - Mỹ Đình - QL32 liên tục dừng bắt trả khách giữa đường. Thậm chí ngang nhiên tạt cả vào nhà chờ xe buýt “ép” chỗ của xe buýt thật để giật khách, gây nghẽn tắc tại các điểm dừng đỗ xe buýt. Khi hai xe buýt này đỗ song song với nhau nếu không để ý kỹ rất khó nhận dạng đâu là xe buýt thật, đâu là xe buýt giả, đặc biệt đối với người mới đi xe buýt.
Theo em Hùng Ngọc Sỹ (sinh viên năm 1, Đại học GTVT), em cũng đã từng là nạn nhân của một lần lỡ chân lên xe buýt giả khi bắt xe từ bến xe Mỹ Đình về Kim Mã. Khi lên xe, nhà xe hét vé 30.000 đồng/lượt (trong khi thực chất vé chỉ 7.000 đồng). Thắc mắc vấn đề này nhà xe mới nói thu vé toàn tuyến chạy chứ không thu theo điểm dừng. Biết là đã trót lên xe buýt giả nên đành “nuốt nghẹn” để tránh va chạm.
Tiếp tục quan sát, PV ghi nhận cũng trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu, Phạm Hùng, một xe buýt giả khác với biển số 29B-0077-96 cũng có những hành vi dừng đỗ bắt khách tương tự. Theo phản ánh của bạn đọc cũng như nhiều người dân sống trên tuyến đường này thì có không dưới 6 xe buýt dạng như trên liên tục chạy, dừng bắt khách trên tuyến trong thời gian dài, song không thấy bị lực lượng chức năng xử phạt.
Mức xử lý chưa đủ răn đe!
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Điều hành và Quản lý giao thông đô thị Hà Nội trả lời trước giới truyền thông, cho biết: Việc các xe nhái màu sơn xe buýt của Công ty Vận tải Hà Nội dừng đón trả khách hoặc chen vào điểm đỗ của xe buýt thật là thực trạng vẫn tồn tại dù trong thời gian qua các lực lượng chức năng cũng đã có sự phối hợp trong quản lý, xử phạt đối với những xe nói trên. Tuy nhiên, những xe kiểu này thường chọn các điểm “nóng” để trộn vào khu vực nhà chờ nhằm đón khách. Việc xe sơn màu và kẻ lộ trình gần giống với xe buýt khiến người dân rất dễ nhầm lẫn. Bên cạnh đó, việc chiếm dụng hạ tầng các điểm trung chuyển đang diễn ra rất phức tạp với các vi phạm phổ biến như xe ôtô, xe máy đỗ vào khu vực, vị trí dành cho xe buýt dừng đón trả khách cản trở hoạt động của xe buýt ra vào điểm dừng; chiếm dụng khu vực đứng chờ xe buýt của hành khách tại các điểm dừng, nhà chờ bày bán hàng nước, đỗ xe ôm.
Cũng theo ông Hải, với trách nhiệm quản lý nhà nước về hạ tầng giao thông dành cho xe buýt, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị chỉ thực hiện được chức năng kiểm tra phát hiện sai phạm, việc xử lý các sai phạm phải đề nghị các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương phối hợp để xử lý.
Theo Thanh tra Sở GTVT Hà Nội: Trong thời gian qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với lực lượng chức năng triển khai và xử lý nhiều trường hợp vi phạm, với các lỗi vi phạm như: trên xe không có nhân viên, sai hành trình tuyến, dừng đỗ sai quy định, thu tiền nhưng không đưa vé cho hành khách. Đặc biệt, trên tuyến đường 32, Mỹ Đình - Xuân Canh, Thanh tra Sở đã phát hiện và xử lý tạm giữ phương tiện một số trường hợp trường hợp. Tuy nhiên cũng theo lời của vị lãnh đạo của sở này thì: Đối với những xe buýt giả mắc lỗi vi phạm trong trường hợp không có phù hiệu, không thu vé của khách, thu tiền của khách nhưng không xuất vé, không có sổ lịch trình thì mức xử phạt hành chính tối đa là 3 triệu đồng. Tuy chế tài xử phạt tương đối đầy đủ nhưng vẫn chưa thực sự đủ sức răn đe, bởi quy định về thời gian tạm giữ phương tiện đã được điều chỉnh. Theo quy định trước đây, trong trường hợp vi phạm lần đầu, phương tiện sẽ bị cơ quan chức năng giữ trong vòng 15 ngày, vi phạm lần 2 là 30 ngày, tái phạm lần 3 là 60 ngày. Nhưng sau đó, quy định này đã được thay đổi và đối với tất cả những lỗi vi phạm như đã nói ở trên, cơ quan chức năng chỉ giữ phương tiện tối đa là 10 ngày.
Văn Hậu