Bệnh lao kháng đa thuốc là do vi khuẩn lao gây bệnh không bị tiêu diệt bởi các thuốc chống lao hàng 1 (hiện đang dùng) do đó phải dùng thuốc chống lao hàng 2 để điều trị. Đây là một thể lao đặc biệt nguy hiểm khác với bệnh lao thông thường nên việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
Nếu người mắc lao thông thường không được điều trị thì 50% trong số đó sẽ bị tử vong sau 5 năm. Với lao kháng đa thuốc, sự nguy hiểm còn cao hơn nhiều. Sử dụng thuốc điều trị lao kháng đa thuốc để chữa bệnh cũng đồng nghĩa với việc thêm nhiều tác dụng phụ không mong muốn, thời gian điều trị kéo dài tối thiểu là 19 tháng.
Về nguyên nhân gây lao kháng đa thuốc có rất nhiều, nhưng các trường hợp lao kháng đa thuốc hiện đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Hà Nội do nhiều người bệnh do không tuân thủ đúng theo nguyên tắc điều trị, dùng thuốc chống lao vài ba tháng thấy khỏe hơn đã ngừng uống thuốc, trong khi bệnh lao điều trị đầy đủ theo đúng phác đồ phải tiêm và uống thuốc đủ 6 hoặc 8 tháng dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Chương trình chống lao TP. Hà Nội dưới sự chỉ đạo của Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG), Sở Y tế Hà Nội đã triển khai thực hiện chương trình điều trị và quản lý người bệnh lao kháng đa thuốc theo đúng quy chuẩn và là một trong 5 điểm điều trị đầu tiên trên toàn quốc, thu nhận điều trị người bệnh tại TP. Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Được sự giúp đỡ về cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức Quốc tế và CTCLQG, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã chính thức đi vào thu nhận quản lý điều trị bệnh nhân lao kháng đa thuốc từ tháng 2/2011. Các quy trình phát hiện, thu nhận, quản lý và điều trị đều dựa theo hướng dẫn của CTCLQG. Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao kháng đa thuốc giai đoạn trước được thực hiện tại labo của Bệnh viện Phổi Trung ương như: Haintest, Genexpert, Kháng sinh đồ... Từ tháng 6/2013, xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao kháng đa thuốc bằng Genexpert được thực hiện tại Bệnh viện Phổi Hà Nội. Tất cả các bệnh nhân (BN) nghi ngờ mắc lao kháng đa thuốc sẽ được sàng lọc tại Khoa Lao tái trị của Bệnh viện Phổi Hà Nội, các phòng khám lao và phòng khám ngoại trú tại các bệnh viện lao.
Mẫu đờm sẽ được thu thập và gửi tới Khoa Vi sinh Bệnh viện Phổi Hà Nội để làm xét nghiệm chẩn đoán kháng thuốc. BN nghi ngờ MDR-TB có thể được xác định trong số các BN mắc lao. Các ca bệnh MDR-TB được khẳng định qua xét nghiệm Genexpert, Haintest, kháng sinh đồ... (Xem bảng)
Tính đến ngày 30/12/2014, Hà Nội đã thu nhận vào điều trị và quản lý được: 286 BN, Trong đó:
Năm 2011: 28 BN
Năm 2012: 52 BN
Năm 2013: 81 BN
Năm 2014: 125 BN
Số BN đang điều trị: 179,
trong đó:
Nội trú: 08 BN
Ngoại trú: 171 BN
Phác đồ 4A: 267
Phác đồ 4B: 19
Chuyển về các tỉnh vệ tinh (Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương): 26 BN.
Hỗ trợ chẩn đoán phát hiện cho các tỉnh vệ tinh 80 BN.
BN kháng đa thuốc được điều trị theo đúng phác đồ dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế và những người hỗ trợ.
Việc điều trị người bệnh lao kháng đa thuốc đòi hỏi nhân viên y tế chuyên trách tại các tuyến và những người hỗ trợ phải theo dõi sát người bệnh, phát hiện kịp thời các tác dụng không mong muốn của thuốc để có hướng xử trí, hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh trong suốt quá trình điều trị. Đồng thời, người bệnh phải tuân thủ nghiêm túc các quy định theo hướng dẫn của nhân viên y tế để đảm bảo được tiêm và uống thuốc đầy đủ, đúng giờ, đúng liều, đều đặn và có những biện pháp phòng chống lây nhiễm thích hợp.
Số BN đã kết thúc điều trị là 105 BN
Trong đó:
Khỏi: 66 BN chiếm 62,9%
Hoàn thành ĐT: 02 BN
chiếm 1,9%
Thất bại: 07 BN chiếm 6,7%
Bỏ trị: 17 BN chiếm 16,2%
Tử vong: 12 BN chiếm 11,3%
Tỷ lệ điều trị thành công: 64,76% (miền Bắc 55,86%, cả nước 64,73%.
Khi phỏng vấn người bệnh đang điều trị lao kháng đa thuốc tại bệnh viện, chúng tôi ghi lại những ý kiến của người bệnh như bệnh nhân N.V.T (49 tuổi, địa chỉ tại huyện Gia Lâm) cho biết: BN đã bị bệnh lao nhiều năm nay, điều trị nhiều lần không khỏi, sức khỏe giảm sút, không làm được việc nặng. BN được chẩn đoán và điều trị lao kháng đa thuốc, tuy chưa hết liệu trình điều trị nhưng người bệnh thấy thuyên giảm rất nhiều, tăng cân, không ho, không sốt và kết quả xét nghiệm nhiều tháng nay đã âm tính và đến nay đã khỏi bệnh. BN nói: “Tôi rất cảm ơn bệnh viện và Chương trình chống lao đã điều trị cho tôi”.
Còn bệnh nhân P.V.K (41 tuổi, ở tại Đông Anh) nói rằng: “Trước khi được điều trị kháng thuốc tôi tưởng không thể sống được do liên tục ho ra máu, cơ thể gầy sút không đi lại được, nhưng hiện nay tình trạng sức khỏe cũng đã được cải thiện rất nhiều, sinh hoạt và làm việc bình thường, BN thấy rằng việc tuân thủ điều trị lao theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa đối với BN là rất quan trọng và cần thiết, bên cạnh đó không được chủ quan khi có các dấu hiệu: ho, khạc, đau ngực, ho ra máu... cần phải đến cơ sở chuyên khoa khám ngay.
ThS. Phạm Hữu Thường - GĐ Bệnh viện Phổi Hà Nội nhấn mạnh: “ Cần được phát hiện và điều trị sớm theo đúng hướng dẫn của CTCLQG bệnh lao có thể được chữa khỏi hoàn toàn, ít tái phát và phòng được vi khuẩn lao kháng thuốc”.
BVP