Theo thông báo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 125.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) với 15 trường hợp tử vong.
Hiện nay, các nhà trường đã bắt đầu tiếp nhận học sinh vào năm học mới 2019-2020 vì vậy dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trong nhà trường và các cơ sở giáo dục. Hà Nội cũng đã ghi nhận trên 1.800 trường hợp mắc SXH, trong đó, có những trường hợp là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Thành phố và số mắc liên tục gia tăng trong các tuần gần đây.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, Sở Y tế Hà Nội đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội chỉ đạo các trường trực thuộc triển khai tổ chức vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi trước khi khai giảng năm học mới.
Các nhà trường thường xuyên thực hiện công tác vệ sinh môi trường thu gom phế thải, phế liệu, lật úp các dụng cụ chứa nước (nếu sử dụng bể chứa nước phải có nắp đậy kín), không để các chậu hoa, cây cảnh có chứa nước là nơi muỗi đẻ trứng và bọ gậy sinh sống...
Học sinh dọn dẹp vệ sinh nhằm hạn chế phát sinh bệnh sốt xuất huyết.
Sở Y tế cũng yêu cầu học sinh, sinh viên nhà trường phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Ngủ màn, vệ sinh môi trường, không để muỗi có nơi cư trú, sinh sản, áp dụng các biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy tại nơi thuê trọ bên ngoài và trong ký túc xá. Trường hợp nghi ngờ bị SXH cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ, sinh viên, học sinh nhà trường về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH cho bản thân, gia đình và cho cộng đồng. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị y tế trên địa bàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH.
Khi phát hiện có học sinh, sinh viên, cán bộ nhà trường nghi ngờ bị SXH cần thông báo ngay cho Trạm Y tế hoặc Trung tâm Y tế trên địa bàn để tiến hành công tác điều tra xử lý dịch bệnh. Đồng thời, đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập ngay các đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch và tổ giám sát phòng, chống dịch SXH (như năm 2017); tổ chức hoạt động một cách có hiệu quả, không hình thức và phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương. Ngoài việc triển khai công tác phòng chống dịch tại khu vực dân cư cần chú trọng đến các khu vực công cộng, như tại các cơ quan, công trường, xí nghiệp, nghĩa trang, trường học...; phải yêu cầu các đơn vị đóng trên địa bàn, đặc biệt là các trường học, công trường xây dựng phối hợp và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH, thường xuyên tiến hành kiểm tra việc chủ động phòng, chống dịch bệnh của các đơn vị này.
Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng để mọi người tự áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch và tích cực tham gia hoạt động phòng, chống SXH. Tại các khu vực đã ghi nhận bệnh nhân SXH cần tổ chức họp tổ dân cư để thông báo tình hình dịch và hướng dẫn cho người dân biết cách chủ động phòng chống dịch SXH. Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tổ chức giám sát chặt chẽ ca bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch. Kiên quyết không để dịch kéo dài, lan rộng.