Thời gian gần đây, 1 loạt hàng cây xanh trên các tuyến đường, phố thuộc các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Long Biên, Hà Đông,... đang bị cắt tỉa đến mức trơ cành, trụi lá. Điều đáng nói là việc cắt tỉa cây xanh sát với thời điểm nắng nóng gay gắt nhất trong năm, nhiều người dân cho rằng việc thiếu đi bóng cây vào mùa hè sẽ là cực hình với những ai phải di chuyển, làm việc ngoài đường.
Trước những thắc mắc của người dân về tình trạng hàng loạt cây xanh bị cắt tỉa đến mức chỉ còn trơ lại mỗi thân và gốc cây, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, việc cắt tỉa cho các hàng cây là cần thiết trước mỗi mùa mưa, bão. Trong đó việc cắt tỉa cây xanh, chặt bỏ cành khô, thay thế những cây đã già hoặc đã chết sẽ được thực hiện trong tháng 5, 6 và phải hoàn thành trước khi mùa mưa bão bắt đầu.
Trước đó, vào tối ngày 20/4, 1 trận mưa dông đầu mùa đã diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội khiến hơn 400 cây xanh gãy, đổ, nghiêng. Nguyên nhân cây xanh gãy, đổ là do yếu tố thời tiết cực đoan, bất thường, mưa dông với cường độ rất mạnh đã giật gãy, đổ nhiều cây, kể cả những cây có đường kính lớn, lâu năm và cả những cây có cọc chống chắc chắn.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong năm 2024, do ảnh hưởng của hiện tượng ENSO (El Nino - Dao động phương Nam), sẽ diễn ra nhiều đợt nắng nóng đỉnh điểm. Tại miền Bắc, sau những ngày nắng nóng sẽ có hiện tượng mưa rào kèm dông lốc vào chiều tối, có khả năng ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh đô thị.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cây xanh bị gãy, đổ trong mùa mưa bão, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết trong năm 2024, công ty sẽ cắt, tỉa khoảng 90.000 - 100.000 cây xanh. Ngoài ra, công ty cũng tăng cường kiểm tra, khảo sát để sớm phát hiện những cây xanh nguy hiểm, đưa vào kế hoạch chặt hạ trước mùa mưa bão.
Ngoài cắt tỉa, hạ độ cao cho cây, các đơn vị đang quản lý duy trì hệ thống cây xanh đô thị được yêu cầu tăng cường chằng chống, khắc phục ngay các cọc bị hỏng, mục, cọc chống bị bung vòng thép, đai thép siết chặt vào thân cây không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để cây trồng không bị nghiêng, gãy, đổ khi có gió lớn, mưa bão, dông lốc xảy ra.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đơn vị cũng đã chủ động lập và thực hiện kế hoạch cắt tỉa cây bóng mát với yêu cầu việc chặt hạ cây bóng mát bị sâu mục, cây chết khô nguy hiểm hoàn tất trước mùa mưa bão. Tổng số cây bóng mát cắt tỉa khoảng 292.000 cây, trong đó số cắt tỉa vén tán, nâng cao vòm lá 230.000 cây và cắt tỉa làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao 62.000 cây.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện đơn vị đang quản lý 787.000 cây bóng mát thuộc 751 tuyến đường và Công viên Thủ Lệ. Trong đó có khoảng 177.000 cây bóng mát trong đô thị và khoảng 610.000 cây bóng mát trên các tuyến đường khu vực ngoại thành... Cấp huyện quản lý hơn 369.000 cây, trong đó 238.000 cây trên các tuyến đường, ngõ, công viên, vườn hoa, trường học, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, khu di tích; 131.000 cây còn lại thuộc các khu đô thị, khu chức năng, khuôn viên tổ chức...
Xem thêm video được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 4/5: Bắc Bộ thời tiết chủ đạo ngày nắng, tối mưa dông.