Hơn 60 năm qua, thủ đô Hà Nội có rất nhiều thay đổi, song thay đổi lớn lao nhất có lẽ là sự hiện diện của những cây cầu bắc qua sông Hồng. Đó là những cây cầu của niềm tin, của trí tuệ Việt Nam trên con đường đổi mới, nhất là vào dịp cả nước mừng xuân, đón Tết và hướng tới ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long Đông đô Hà Nội, thì ý nghĩa những cây cầu lịch sử ấy lại được tôn vinh ở mọi góc nhìn khác nhau.
“Mọi con đường đều dẫn đến Rô-ma" là một thành ngữ mà chúng ta lâu nay vẫn dùng theo một ý nghĩa nào đó thì "Mọi con đường đều phải qua Hà Nội" là hoàn toàn chính xác theo nghĩa nguyên gốc của từ này! Tất cả các tỉnh vùng đất Tây Bắc rộng lớn, giàu tiềm năng cuối cùng vẫn phải từ quốc lộ số 6 về Hà Nội. Quốc lộ số 2, số 3, số 5 và đặc biệt quốc lộ số 1 - quốc lộ xuyên Việt của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam đều phải qua Hà Nội rồi mới được nối với các địa bàn khác và ngược lại. Tất cả vẫn phải nhờ vào cầu Long Biên, cây cầu tuổi non thế kỷ với những kết cấu thép điển hình, thời mà ông Ép-phen chiếm vị trí số một trên thế giới trong xây dựng khi bê tông chưa ra đời.
Cầu Long Biên gắn bó với lịch sử phát triển của Hà Nội. |
Đành rằng, trong tương lai không riêng gì những cư dân Hà Nội, mà tất cả những ai được hỏi, họ đều có thể trả lời: Không hề ai có ý nghĩ thay thế cầu Long Biên bằng một cây cầu khác chừng nào còn có thể. Cầu Long Biên tồn tại gần một thế kỷ, chứng kiến bao thăng trầm biến động của thành phố. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cầu Long Biên bị bom đạn làm đứt nhịp. Cầu phao Khuyến Lương lập tức được thay thế, cầu phao này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn vậy mà khi dỡ đi nhiều người còn nuối tiếc không giữ lại một khúc đưa vào bảo tàng để mãi mãi không quên những tháng năm đạn bom gian khổ. Cầu Long Biên như một bảo tàng ngoài trời, một chứng tích, một lịch sử gắn liền với Hà Nội - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước!
Cứ như thế trong suốt những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, cầu Long Biên trong vai trò "cái gạch nối" duy nhất giữa hai vùng tả, hữu ngạn sông Hồng trong quá trình phát triển của đất nước. Những năm gần đây, tải trọng cầu không cho phép, bên cạnh đó nạn ùn tắc giao thông ở Hà Nội đã đạt đến độ... không thể dịch chuyển vào bất cứ thời điểm nào trong ngày nếu như chỉ duy nhất có một cây cầu. Trên thực tế Hà Nội đã có một cây cầu thứ hai là cầu Thăng Long, vị trí cách cầu Long Biên 11km về phía Bắc. Khoảng cách này không có gì đáng kể đối với các phương tiện cơ giới, nhất là đối với những phương tiện vận tải siêu trường, siêu trọng đã phải nhiều ngày dặm dài trên đường xuyên Việt. Song, cầu Thăng Long không chỉ dừng lại ở ý nghĩa bắc qua sông Hồng, mà cầu Thăng Long là cầu nối tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô!
Tất cả những thông số kỹ thuật, cũng như khối lượng vật tư, thời gian thi công đến bây giờ cầu Thăng Long vẫn giữ vị trí kỷ lục! Thời gian khởi công xây dựng cầu và ngày 26/11/1974, thời gian thông xe toàn bộ là năm 1985. Hơn 10 năm với tổng khối lượng vật tư dùng cho cầu là 230.000m3 bê tông, 53.293 tấn sắt thép. Tính số bản vẽ in ra dài 50km, nếu trải ra mặt đất sẽ có diện tích là 20.000m2. Song song với cầu Thăng Long, Hà Nội xây dựng cầu Chương Dương. Cầu Chương Dương cách cầu Long Biên về phía hạ lưu 2km. Đây là một cây cầu thép 11 nhịp, do cán bộ công nhân Việt Nam tự thiết kế thi công phục vụ cho giao thông bộ (chủ yếu là ôtô). So với cầu Thăng Long, cầu Chương Dương xây dựng nhanh hơn rất nhiều. Khởi công tháng 6/1983, thông xe toàn bộ năm 1985. Cầu Chương Dương vô cùng quan trọng khi cầu Long Biên không cho phép hoạt động với cường độ cao. Vài năm gần đây, mật độ giao thông tăng lên đột ngột. Sự gia tăng này chẳng những ảnh hưởng đến độ chịu tải của cầu mà còn gây ra ùn tắc, cho dù thành phố Hà Nội đã đưa ra rất nhiều phương án nhưng vẫn bất cập. Hà Nội có 3 cây cầu bắc qua sông Hồng nhưng trên thực tế vẫn chưa thể giảm tải cho thành phố. Đó là chưa kể đến việc hao tốn nhiên liệu (năng lượng) khi tam giác kinh tế phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã hình thành mà các xe phía Nam ra vẫn phải vòng lên Hà Nội , qua cầu rồi mới đến được những địa điểm nói trên. Chưa có số liệu thống kê cho việc hao phí này nhưng khi cầu Yên Lệnh của tỉnh Hưng Yên được đưa vào sử dụng thì, những xe không có nhu cầu đi qua Hà Nội, theo quốc lộ số 1 đến Duy Tiên - Hà Nam đều rẽ theo quốc lộ số 38 qua thị xã Hưng Yên, rồi nhập vào quốc lộ số 39 gặp quốc lộ số 5 ở Phố Nối (Hưng Yên)... hoà vào hai tỉnh còn lại trong tam giác kinh tế phía Bắc. Cầu Yên Lệnh không những phá thế "ốc đảo" của Hưng Yên mà tiết kiệm cho mỗi lái xe hàng trăm km đường. Cũng chưa có một số liệu thống kê cụ thể nào về việc này nhưng thật sự đã giảm đáng kể giao thông của Hà Nội trong những năm đầu thập kỷ này. Hà Nội trong sức phát triển của vài năm trở lại đây đặt ra nhiều vấn đề trong đó bức xúc nhất vẫn là giao thông - vận tải, cơ sở hạ tầng đóng vai trò quyết định trong xây dựng và phát triển kinh tế.
Cầu Thăng Long. |
Hoà nhịp với cả nước, Hà Nội trong những năm tháng này đang có sự chuyển mình vươn lên, khả dĩ đáp ứng được với sự phát triển. Cầu Thanh Trì đã được "hợp long" trong niềm vui sướng để hướng năm ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Đông đô Hà Nội. Đây là cây cầu hiện đại nhất Đông Nam Á, được xây dựng với những phương pháp tiên tiến nhất. Không mấy nữa Hà Nội sẽ có sự hiện diện của 4 cây cầy bắc qua sông Hồng. Cầu Thanh Trì đưa vào sử dụng sẽ là một sự hoàn thiện trong hệ thống đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tất cả các xe từ phía Nam lên phía Bắc, sang tả ngạn sông Hồng đều không phải qua Hà Nội. Cầu Thanh Trì, cầu Thăng Long đóng vai trò giảm tải đảng kể cho Thủ đô bên cạnh ý nghĩa tiết kiệm đến tối đa việc tiêu hao năng lượng không cần thiết, điều mà bao nhiêu năm nay ai cũng biết nhưng để khắc phục được không phải chỉ một sớm một chiều. Nhìn lại những năm đầu của thiên niên kỷ này, có thể nói một trong những công trình đồ sộ nhất, xây dựng khó khăn và tốn kém nhất vẫn là những cây cầu. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó, đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói sau khi cầu Thăng Long được khánh thành và đưa vào sử dụng: "Xây dựng xong chiếc cầu là quí, nhưng chưa quí bằng đào tạo nên một đội ngũ cán bộ, công nhân tinh thông nghề nghiệp...".
Những năm đầu thế kỷ XXI này, Hà Nội bề bộn như một đại công trường. Trong ngổn ngang ấy, dáng vóc một đô thị hiện đại đang mỗi ngày được hiện lên rõ nét qua mỗi cửa ngõ. Nếu như 10 thế kỷ trước Lý Thái Tổ coi đất này có thế lưng tựa núi (Núi Tản Viên - Núi Tổ) mặt hướng ra sông thì hiện các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc và Hưng Yên đang góp phần quan trọng vào việc mở rộng Hà Nội, một Thủ đô có đủ chiều kích, xứng đáng là một trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá của tương lai! Hà Nội hôm nay phía Tây có núi Ba Vì bao bọc. Vùng núi và trung du đầy tiềm năng này trong một tương lai không xa sẽ là một trung tâm du lịch sinh thái, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng cuối tuần. Bên tả ngạn sông Hồng, Vĩnh Phúc là một trong những trung tâm công nghiệp phụ cận thành phố. Điều đó đang dần trở thành hiện thực khi Vĩnh Phúc là một tỉnh trong trong những tỉnh có sự tăng trưởng kinh tế dẫn đầu toàn quốc. Đầu bên kia của cầu Thanh Trì, tỉnh Hưng Yên đã có qui hoạch chi tiết cho cụm đô thị - công nghiệp Văn Giang đầy mới mẻ này.
Lần đầu tiên khái niệm Thủ đô Hà Nội không còn bó hẹp trong khuôn khổ "ba mươi sáu phố phường" bên cạnh một nhóm công sở, biệt thự được các nhà "thuộc địa" qui hoạch từ đầu thế kỷ XIX với những "hợp tác xã thủ công, tiểu thủ công" trong thời "bao cấp"... Hà Nội hôm nay đang có dáng dấp một trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá của cả nước trong thời đại mới!
Có thể nói điểm nhấn trong nhịp điệu phát triển của Hà Nội thời gian qua chính là những cây cầu bắc qua sông Hồng. Những con đường, những dòng sông và những cây cầu không trực tiếp tạo ra sản phẩm, song chúng vẫn là những thành viên quan trọng trong nền kinh tế của một quốc gia. Rõ ràng, chúng không thể thiếu được trong hoạt động sản xuất và lưu thông của xã hội. Những cây cầu bắc qua sông Hồng không chỉ là một giá trị thuần tuý vật chất với một nghĩa xác thực của khái niệm này. Dưới một góc độ nào đó, "Những cây cầu bắc qua sông Hồng" có thể ví như những cây cầu bắc qua đói nghèo, lạc hậu và trì trệ. Phải chăng, đó là những cây cầu bắc vào tương lai trong thời đại hội nhập và phát triển. Những công trình lịch sử!
Bút ký của Thành Nam - Hà Nguyên