Hà Nội là nơi gặp gỡ của nhiều luồng văn hóa thế giới. Không kể chuyện xa xưa, khi ở đây từng diễn ra sự tiếp xúc và cải biến văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, mà chỉ kể chuyện một trăm năm trở lại đây, việc hội nhập rồi phát triển cùng văn hóa Pháp và thế giới cũng đủ nói lên Hà Nội là nơi mở đầu những đổi mới trong đời sống văn hóa ít ra cũng là ở toàn miền Bắc.
Bắc Bộ phủ do người Pháp xây dựng. |
Về sinh hoạt: Người Hà Nội đi đầu trong thay đổi trang phục, phục sức. Cùng với việc bỏ cây bút lông và mực tàu giấy bản, cùng cây bút sắt và giấy Tây là trang phục, phục sức Tây phương được chấp nhận. Răng không nhuộm đen nữa, đàn ông bỏ khăn xếp, bỏ áo dài, bỏ giày hạ mà đội mũ phớt, mặc com-plê, mặc smoking, pardessus, đi sandale, đi giày bee canard, giày đơ-cu-lơ, nữ giới thì bỏ khăn, vấn tóc trần, bỏ áo mớ ba mớ bảy, mặc áo tân thời, quần trắng, áo măng-tô, đi giày mang cá, giày muyn, tóc phi-dê...
Về âm nhạc, bên cạnh nhạc năm cung, thanh niên Hà Nội học ký âm bảy "nốt", hát bài hát Pháp rồi soạn ra bài hát tiếng Việt theo âm giai Tây phương. Người soạn nhạc Việt đầu tiên theo nhạc lý phương Tây là người Huế, nhưng trình bày lần đầu là ở Hà Nội năm 1938 là Nguyễn Văn Tuyên. Sau đó là Lê Thương, Đặng Thế Phong, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao... Họ thành danh ở các tửu quán trà đình Hà Nội.
Về mỹ thuật, Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời năm 1925, mà hai người sáng lập là họa sĩ Paris - Victor Tardieu và họa sĩ Hà Nội: Nam Sơn. Trường này đã tạo ra một đội ngũ nghệ sĩ ban đầu sáng tác theo kỹ thuật mang phong cách phương Tây, sau đã dân tộc hóa, phát triển thành những dòng tranh lụa, tranh sơn mài... hòa nhập được vào mỹ cảm của chung thế giới. Đó là Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn... Chính họa sĩ Nam Sơn từ năm 1930 đã từng có tranh được đưa vào Bảo tàng quốc gia Pháp như bức Chợ gạo bên sông Hồng.
Đặc biệt khi Khoa kiến trúc được thành lập trong Trường Mỹ thuật Đông Dương đã đào tạo ra nhiều kiến trúc sư tài danh: Võ Đức Diên, Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Gia Đức... đã để lại cho thành phố nhiều công trình đẹp có tính thẩm mỹ cao, kết hợp tinh hoa kiến trúc Á - Âu.
Về văn học: Lĩnh vực thơ thì như mọi người đã biết, chỉ cần 10 năm (1932-1942), thơ Việt đã tiếp thu, hấp thụ và đi trọn chặng đường hai thế kỷ của thơ Pháp với đủ mọi trường phái: cổ điển, lãng mạn, tượng trưng, trừu tượng, siêu thực... làm thành phong trào "Thơ mới", một cuộc cách mạng thi ca lớn từ trước tới bây giờ của nước ta. Và cái nôi hình thành phong trào này là những trang báo, trang sách ra đời ở Hà Nội với những vần thơ của Thế Lữ, Phạm Huy Thông, Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp...
Văn xuôi cũng vậy, nhà văn Hà Nội cũng như cả nước, học tập cú pháp, thi pháp, bố cục tiểu thuyết, xây dựng nhân vật... của tiểu thuyết Pháp tạo ra nền văn xuôi hiện đại với Đặng Trần Phất, Hoàng Ngọc Phách, Khái Hưng... Cũng từ đó ra đời các nhóm văn nghệ sĩ mà tên tuổi để đời trong kho tàng văn học dân tộc như nhóm Tư Lực văn đoàn với Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Tú Mỡ... nhóm Tiểu thuyết Thứ bảy như Lê Văn Trương, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng...
Một dấu ấn rõ nhất nữa ở lĩnh vực văn học - và cả nghệ thuật là từ 1921 ra đời thể loại kịch nói ở Việt Nam mà nơi khởi đầu là Hà Nội, do đã học tập ở các vở kịch của Molière. Đó là nhà soạn kịch nói đầu tiên: Vũ Đình Long, để tiếp đó là Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ, Võ Trọng Can...
Như vậy, nói về mặt văn hóa, Hà Nội từ xa xưa cho tới tận nay đã là một đô thành mở, sẵn sàng đón gió bốn phương, sàng lọc, khơi trong gạn đục, đón nhận những tinh hoa thế giới, trong đó có tinh hoa văn hóa Pháp rồi phát triển, kết hợp hài hòa truyền thống và thời đại, luôn tìm cách canh tân đổi mới. Chính trong quá trình đó, thích nghi và đổi mới, đã tạo nên bản sắc dân tộc với nội hàm phong phú. Đó là sức sống mãnh liệt và ý chí tự cường, là tinh thần sáng tạo vì cuộc sống tự do và hạnh phúc. Đó là sự khát khao của một cuộc sống không chỉ phồn vinh về vật chất mà còn ưu việt về văn hóa cũng như phẩm chất con người.
Nguyễn Vinh Phúc (Nhà Hà Nội học)