Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết, sau nhiều nỗ lực cùng với các giải pháp đồng bộ, trong 9 tháng của năm 2019, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng cần duy trì đến hết năm như tỷ số giới tính khi sinh ước đạt 110.5 trẻ trai/ 100 trẻ giái (năm 2018 là 113.5 trẻ trai/100 trẻ gái, ước thực hiện năm 2019 là 113 trẻ trai/100 trẻ gái); Tỷ lệ sàng lọc trước sinh 9 tháng năm 2019 đạt 83,21%, dự kiến cuối năm đạt 83%, đạt chỉ tiêu.
Trong đó, siêu âm hội chẩn 1.713 ca, chọc ối làm nhiễm sắc thể 356 ca, đình chỉ thai nghén: 124 ca; Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh 9 tháng đầu năm 2019 đạt 82,76%, dự kiến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu đề ra 85%; Số người mới áp dụng Biện pháp tránh thai: 385.233 (đạt 107,0 %).
Tuy nhiên, tổng số sinh toàn thành phố vẫn tăng cao. 9 tháng của năm nay, toàn thành phố có 78.353 trẻ được sinh ra, tăng 3.935 trẻ so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có một số quận, huyện có mức sinh tăng mạnh, như: Hoàng Mai, Đông Anh, Hoài Đức, Cầu Giấy. Đặc biệt, số trẻ là con thứ ba trở lên được sinh ra là 6.136 trẻ, tăng 254 trẻ so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 469 trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên... sinh con thứ ba.
9 tháng đầu năm 2019 số trẻ là con thứ ba trở lên được sinh ra ở Hà Nội là 6.136 trẻ, tăng 254 trẻ so với cùng kỳ năm 2018
Tỷ số giới tính khi sinh (trẻ sinh ra còn sống) ở mức cân bằng tự nhiên là từ 103 đến 107 trẻ trai/100 trẻ gái. Trên thực tế, ở những nơi có tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên gia tăng cũng chính là địa bàn có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ở mức cao. Điều này gây ra khó khăn cho việc đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, lâu nay, người ta cứ nghĩ tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ rơi vào nhóm các bà mẹ có học vấn thấp, nhưng thực tế là ngược lại. Đó là người có trình độ học vấn càng cao và càng giàu thì càng lựa chọn giới tính thai nhi. Chẳng hạn, với cán bộ, công chức, viên chức chỉ được sinh 2 con. Do đó, để chắc chắn sinh được con trai thì họ tìm cách dựa vào tiến bộ của y học để lựa chọn giới tính ngay từ khi mang thai.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), các kết quả điều tra dân số gần đây cho thấy, ở nhóm các bà mẹ không biết chữ, tỷ số giới tính khi sinh lại đạt thấp nhất, vào khoảng 107 trẻ trai/100 trẻ gái. Tỷ lệ này tăng dần theo trình độ học vấn của người phụ nữ, lên đến 114 trẻ trai/100 trẻ gái ở những bà mẹ có trình độ từ cao đẳng trở lên. Ở nhóm dân cư giàu, tỷ số giới tính khi sinh là 112 trẻ trai/100 trẻ gái, trong khi nhóm dân cư nghèo đạt tỷ lệ là 105 trẻ trai/100 trẻ gái.
Các kết quả điều tra cũng cho thấy, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đặc biệt cao ở lần sinh thứ ba trở lên. Cụ thể, nếu ở lần sinh thứ nhất, tỷ số giới tính là 109,7 trẻ trai/100 trẻ gái thì đến lần sinh thứ hai là 111,9 trẻ trai/100 trẻ gái và ở lần sinh thứ ba trở lên tỷ số này lên tới 119,7 trẻ trai/100 trẻ gái.
Tiếp đó, công tác Dân số- Kế hoạch hóa gia đình của Hà Nội cần giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng cao, lấy truyền thông trực tiếp, vận động, thuyết phục là hình thức truyền thông cơ bản, địa bàn trọng tâm là vùng mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao; đối tượng tập trung là cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên cao; đảm bảo tính sẵn có và khả năng tiếp cận, đáp ứng kịp thời nhu cầu của mọi đối tượng cần thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Bên cạnh đó, cần ban hành các chính sách về dân số, đặc biệt là những chính sách đủ mạnh để xử lý người vi phạm chính sách Dân số- Kế hoạch hóa gia đình…
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra ở các cấp đặc biệt là đối với cơ sở, đảm bảo thực hiện chính sách dân số ở địa bàn các quận, huyện, thị xã. Tăng cường thanh tra kiểm tra các cơ sở y tế ngoài công lập về lựa chọn giới tính thai nhi và các quy định của pháp luật.