Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho bắt đầu buổi họp báo bằng việc thông báo kết quả cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, cho biết hai bên không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Ông Ri Yong-ho khẳng định: "Trong hai ngày họp Thượng đỉnh, nhà lãnh đạo của CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có các cuộc thảo luận về nhiều vấn đề với sự kiên trì, tin tưởng lẫn nhau trên cơ sở kết quả đạt được tại cuộc gặp lần thứ nhất ở Singapore".
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho (phải) chủ trì họp báo về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai.
Giải thích về nguyên nhân khiến hai bên không thể đạt được thỏa thuận, ông Ri cho biết: "Chúng tôi đã đưa ra các đề xuất có tính thực tiễn tại cuộc gặp lần này. Nếu Mỹ dỡ bỏ một phần các lệnh cấm vận nhằm vào nền kinh tế Triều Tiên nói chung và cuộc sống của người dân Triều Tiên nói riêng, chúng tôi sẽ dỡ bỏ hoàn toàn cơ sở sản xuất hạt nhân tại Yongbyon". "Triều Tiên đang phải chịu 11 lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc và chỉ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ 5 lệnh trong số này. Trong đàm phán, 2 bên đã thảo luận về việc ngừng lâu dài thử hạt nhân cũng như thử tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, phía Mỹ yêu cầu chúng tôi phải tiến xa hơn, loại bỏ hoàn toàn các cơ sở hạt nhân. Chính vì yêu cầu này mà thỏa thuận đã không thể đạt được", ông Ri Yong-ho cho hay.
"Mặc dù việc đảm bảo an ninh là điều quan trọng nhất đối với chúng tôi khi bắt đầu các bước phi hạt nhân hóa, chúng tôi cũng hiểu rằng rất khó để Mỹ dừng hẳn các cuộc diễn tập quân sự. Đó là lý do vì sao chúng tôi đã đề xuất việc dỡ bỏ từng phần cấm vận tương ứng với hoạt động giải trừ hạt nhân", ông Ri nói. Ngoại trưởng Triều Tiên nói thêm: "Trong suốt cuộc gặp Thượng đỉnh này, chúng tôi đã nhấn mạnh ý định của mình về một cam kết dừng dài hạn các cuộc thử hạt nhân và thử nghiệm tên lửa tầm xa để giúp Mỹ hạ thấp các quan ngại. Nếu hai bên có thể hợp tác trong suốt quá trình xây dựng lòng tin này, nó sẽ giúp thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa ở tốc độ nhanh hơn".
Ngoại trưởng Ri Yong-ho nhấn mạnh: "Tuy nhiên, trong suốt cuộc họp, Mỹ luôn nhất quyết rằng chúng tôi phải thực hiện bước đi đầu tiên là phá hủy tổ hợp Yongbyon để xây dựng lòng tin. Điều đó rõ ràng cho thấy Mỹ chưa sẵn sàng chấp nhận đề xuất của chúng tôi. Rất khó khăn khi phải nói rằng thỏa thuận đã đổ vỡ. Rất khó để hai nước lại có được một cơ hội rõ ràng như vậy. Đây có thể coi là bước đầu tiên tất yếu để hoàn tất quá trình phi hạt nhân hóa. Đề xuất của chúng tôi sẽ không bao giờ thay đổi kể cả trong trường hợp phía Mỹ đề xuất đàm phán lần tới". Sau đó, Bộ trưởng Ri Yong-ho lập tức rời khỏi phòng họp báo. Ông cũng từ chối trả lời mọi câu hỏi của các phóng viên quốc tế, vốn phải qua những vòng kiểm tra an ninh gắt gao mới được phép tham dự cuộc họp báo bất ngờ này.
Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Lê Bá Vinh cho biết: "Dù không đạt thoả thuận nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Un đã khẳng định cuộc gặp gỡ tại Hà Nội là một bước tiến quan trọng trong tiến trình đối thoại giữa hai bên. Là nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, Việt Nam đã nỗ lực, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho Hội nghị, thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Vị thế, vai trò và công tác chuẩn bị và tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam được lãnh đạo hai nước Mỹ, Triều Tiên và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Về quan hệ Việt Nam - Triều Tiên, sau 61 năm mới có chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên tới Việt Nam. Do vậy, chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam lần này của Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Un là dấu mốc quan trọng, tăng cường hơn nữa quan hệ truyền thống giữa hai nước". |