Cần sự ủng hộ từ người dân
BS. Nguyễn Thu Hương - Trạm trưởng Trạm Y tế Phường Thổ Quan (Quận Đống Đa) cho biết, phường đã nhận được công văn về việc triển khai tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng nguy cơ cao. Hiện nay, trạm y tế đang phối hợp UBND phường cùng Tổ COVID cộng đồng rà soát các đối tượng nguy cơ cao chưa tiêm chủng và những người không thể đi đến điểm tiêm để thực hiện tiêm chủng tại nhà cho người dân.
BS. Hương chia sẻ, trước đây trên địa bàn phường có rất nhiều người cao tuổi chưa tiêm vaccine COVID-19, nhân viên y tế phường đã cố gắng thuyết phục người dân đi tiêm đầy đủ để phòng bệnh. Với những trường hợp bị hạn chế vận động, đi lại khó khăn (trừ những trường hợp phải nằm bất động), nhân viên y tế thuyết phục người nhà đưa người cần tiêm ngồi xe lăn ra điểm tiêm. "Hai tuần gần đây, chúng tôi đã thực hiện tiêm vaccine COVID-19 cho rất nhiều các trường hợp phải ngồi xe lăn", BS. Hương nói.
Tuy nhiên, sau khi có chủ trương thực hiện tiêm chủng lưu động tại nhà cho những đối tượng nguy cơ cao, có nhiều trường hợp có khả năng di chuyển ra điểm tiêm tập trung lại không ra, khi nhân viên y tế gọi điện phản ánh là có chủ trương như vậy, lại đợi nhân viên y tế đến nhà để tiêm.
Theo BS. Hương, tiêm chủng tại nhà thuận tiện cho người cao tuổi có bệnh lý nền nặng nhưng với người có thể di chuyển được rất cần sự hợp tác từ người dân, tạo điều kiện cho ngành y tế hoàn thành nhiệm vụ.
BS. Nguyễn Thị Phương Thúy - Trạm trưởng Trạm Y tế Phường Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội cho biết, các trường hợp người cao tuổi có vấn đề về sức khỏe (như bại liệt, bại não…) không thể di chuyển được đến điểm tiêm trên địa bàn phường khá nhiều. Hiện tại phường cũng đang rà soát để có con số chính xác và lên kế hoạch.
Các đối tượng thuộc diện tiêm chủng trên địa bàn phường đã thực hiện tiêm phòng vaccine đầy đủ. Trước đó, những trường hợp đi lại khó khăn, nhân viên y tế phối hợp với các tổ dân phố thuyết phục gia đình đưa đến điểm tiêm tập trung. Những trường hợp nằm bất động tại chỗ chưa được tiêm, phường đang tìm giải pháp.
Khó khăn...
Từ thực tiễn tiêm chủng, theo các nhân viên y tế cơ sở, triển khai tiêm chủng lưu động tại nhà gặp không ít khó khăn. Để tổ chức một ê kíp tiêm chủng đầy đủ tại nhà cần ít nhất 3 người: gồm một bác sĩ (bác sĩ này phải có chuyên môn về tiêm chủng vừa có chuyên môn về hồi sức) đi cùng là 2 điều dưỡng. Chưa kể, cần tính toán bố trí thêm 1 xe cấp cứu, dự phòng những trường hợp tai biến không may có thể xảy ra sau tiêm.
Trong khi đó, nhân lực y tế cơ sở hiện nay đang căng sức, dàn trên khắp "mặt trận". Mỗi phường chỉ có một bác sĩ, trong khi đó phường đang triển khai tiêm chủng mũi 2 cho học sinh và lên kế hoạch tiêm mũi 3.
Thêm nữa là mỗi lọ vaccine có 7-8 liều, thời gian sử dụng là 4-6 tiếng sau khi mở nắp. Nếu tiêm tại nhà ít nhất mỗi người sẽ mất 1 tiếng (gồm quá trình di chuyển, thăm khám, theo dõi sau tiêm…) như vậy khấu hao vaccine cũng sẽ rất lớn, trong một ngày cũng chỉ thực hiện tiêm chủng cho một vài trường hợp. Chưa kể là các thiết bị mang theo nhiều cũng gây khó khăn như xe tiêm, dụng cụ vô khuẩn, bình oxy, phích bảo quản vaccine, cáng vận chuyển…
Trong quá trình tiêm tại nhà, với người có thể trạng béo phì, cần nhân lực lớn để để vận chuyển, "nếu nhà dân trong ngõ, ngách đưa bệnh nhân ra xe cấp cứu rất xa, có trường hợp phải mất 2-3 km", một nhân viên y tế băn khoăn.
Do vậy, BS. Thúy khuyến cáo, người dân nếu có khả năng thì nên cố gắng cho người nhà di chuyển ra điểm tiêm tập trung vì có đủ trang thiết bị, hơn nữa việc di chuyển của xe cấp cứu cũng dễ dàng hơn, cán bộ phục vụ cũng đầy đủ hơn.
"Những trường hợp bại liệt, nằm bất động sẽ thực hiện tiêm tại nhà, cán bộ y tế cơ sở đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tìm phương án triển khai hợp lý...", BS. Thúy bày tỏ.
BS. Nguyễn Thị Phương Thúy cho biết, những đối tượng nguy cơ cao khi mắc COVID-19, nhân viên y tế sẽ vận động gia đình chuyển bệnh nhân vào khu điều trị. Vì những bệnh nhân này chưa tiêm chủng, nếu có bệnh lý nền thì khả năng chuyển nặng cao, nếu điều trị tại nhà khi sức khỏe có chuyển biến việc gọi xe cấp cứu rất khó khăn, đặc biệt là về đêm, khi trạm y tế chỉ có một người trực thì việc hỗ trợ cấp cứu không kịp thời.
Tại Phường Trung Phụng, đã gặp trường hợp người cao tuổi mắc COVID-19 có bệnh nền, chỉ số SPO2 rất thấp chỉ còn hơn 50, phường phải huy động 3 nhân viên y tế cấp cứu từ ứng trực cả vòng trong, vòng ngoài, gọi 115 từ 11h đến 12h30 xe mới đến nơi. Vì vậy những trường hợp cao tuổi có bệnh nền, mà lại bị hạn chế vận động gia đình nên đưa đi điều trị tại bệnh viện vì không may có vấn đề xảy ra, sẽ có các bác sĩ cấp cứu xử trí và có trang thiết bị để hỗ trợ kịp thời.