Hà Nội triển khai mỗi tháng 2 đợt tiêm chủng

21-04-2015 10:26 | Thời sự
google news

SKĐS - TP Hà Nội đã quyết định triển khai 2 đợt tiêm chủng trong vòng một tháng, với thời gian có thể kéo dài đến 1 tuần/đợt.

 

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và để làm tăng khả năng trẻ nhỏ được tiếp cận dịch vụ tiêm chủng đúng lịch, TP Hà Nội đã quyết định triển khai 2 đợt tiêm chủng trong vòng một tháng, với thời gian có thể kéo dài đến 1 tuần/đợt.

Mỗi đợt tiêm chủng cách nhau 15 ngày

Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), qua kết quả giám sát dịch bệnh, hiện nay trên địa bàn Hà Nội vẫn ghi nhận các trường hợp trẻ em mắc bệnh ho gà và một số trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm khác. Nguyên nhân là do các bé không được tiêm hoặc chưa được tiêm đầy đủ vắcxin phòng bệnh đúng lịch.

Nhiều phụ huynh vẫn còn lúng túng, chưa nắm rõ trẻ sau sinh cần được tiêm chủng những loại vắcxin gì, lịch tiêm như thế nào, dẫn đến việc không chủ động đưa các bé đi tiêm tại các cơ sở y tế trong thành phố.

Việc trẻ mắc các bệnh khác như sốt, ho, viêm phổi… là một trong những nguyên nhân khiến cha mẹ lo lắng, trì hoãn việc tiêm phòng trong nhiều tháng, không tiêm bù sớm sau đó. Điều này tạo nên khoảng trống thời gian nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ, tăng nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh.

Hà Nội tăng cường thời gian tiêm chủng để tăng số trẻ được tiêm chủng
Hà Nội tăng cường thời gian tiêm chủng để tăng số trẻ được tiêm chủng

Theo kế hoạch, TP Hà Nội đã quyết định triển khai 2 đợt tiêm chủng trong một tháng, mỗi đợt cách nhau 15 ngày. Các đợt tiêm chủng sẽ kéo dài trung bình khoảng 1-3 ngày.

Đối với các xã, phường có nhiều đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng, mỗi đợt tiêm sẽ kéo dài từ 3-5 ngày. Đặc biệt với những xã, phường cần tập trung đáp ứng như cầu lớn của người dân, cán bộ y tế sẽ tổ chức đợt tiêm chủng kéo dài 1 tuần.

Theo khuyến cáo chung, các bậc phụ huynh nên tích cực chủ động đưa trẻ tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ có một số vấn đề về sức khỏe, phải hoãn tiêm tại thời điểm đi tiêm, phụ huynh hoàn toàn có thể tiêm bù ngay cho trẻ vào đợt liền kề sau đó.

Quyết định tăng đợt tiêm chủng kế tiếp có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống bệnh chủ động tích cực cho trẻ, hướng đến mục tiêu mọi trẻ em đều được tiêm chủng vắcxin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch theo quy định.

Phải khắc phục cao nhất việc cung ứng vắcxin dịch vụ

Cũng liên quan đến vấn đề vắcxin, trước đó, tại cuộc họp với ngành y tế về công tác y tế Thủ đô quý I, nhiệm vụ trọng tâm quý II/2015, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu ngành y tế Thủ đô phải khắc phục cao nhất việc cung ứng vắcxin dịch vụ, nhanh chóng khắc phục tình trạng khan hiếm, thiếu một số loại vắcxin dịch vụ hiện nay để đáp ứng nhu cầu của người dân. “Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng vì người dân Hà Nội có nhu cầu tiêm vắc xin dịch vụ rất cao, việc thiếu vắc xin dịch vụ kéo dài gây ra nhiều bức xúc. Nếu cần thiết, Sở Y tế phải làm văn bản đề xuất với Bộ Y tế, các quận, huyện phải đăng ký để nhanh chóng có nguồn vắc xin dịch vụ về Thủ đô” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Nhiều bậc cha mẹ vẫn lựa chọn vắcxin dịch vụ để tiêm chủng cho trẻ
Nhiều bậc cha mẹ vẫn lựa chọn vắcxin dịch vụ để tiêm chủng cho trẻ

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, so với cả nước, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng (TCMR) vẫn ở mức cao, đạt khoảng 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ TCMR từng loại vắc xin, từng đơn vị đang ở mức khác nhau, do đó, đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội theo sát đơn vị có tỷ lệ tiêm còn thấp để kịp thời chấn chỉnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong quý I-2015, tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát tốt. Các bệnh lưu hành ghi nhận rải rác, không có ổ dịch tập trung, không có ca tử vong. Nếu như thời điểm này năm ngoái, dịch bệnh sởi bùng phát mạnh thì năm nay, hiện thành phố mới chỉ ghi nhận 101 ca sốt phát ban nghi sởi, giảm 94% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, việc quản lý đối tượng trong chương trình TCMR còn nhiều khó khăn dẫn đến số trẻ mắc bệnh truyền nhiễm vẫn tiếp tục được ghi nhận. Thậm chí, một số quận như: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Long Biên… không tự giác đăng ký với y tế việc tiêm chủng.

Thái Bình

 

 


Ý kiến của bạn