Trước kỳ họp thứ 13, HĐND TP Hà Nội cử tri các quận Thanh Xuân, Ba Đình, Đống Đa đã có nhiều kiến nghị đề nghị Thành phố quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn các cây xanh lâu năm trên các tuyến phố của Hà Nội. Vừa qua, nhân dân chưa đồng tình về việc chặt hàng loạt cây xanh lâu năm trên trục đường Nguyễn Trãi, Giảng Võ.
Cây xanh bị chặt hạ ở Hà Nội
Trả lời kiến nghị của cử tri, UBND TP cho biết, số lượng cây xanh bóng mát trồng trên đường phố của các quận nội thành khoảng 50.000 cây với các loài cây chủ yếu như Xà cừ 5.000 cây, Muồng 5.500 cây, Bằng lăng 5.500 cây, Phượng 3.800 cây, Sữa 3.800 cây, Bàng 2.800 cây, Chẹo 2.000 cây, Sấu 2.200 cây và khoảng 3.000 cây bóng mát trồng hai bên đường quốc lộ, tỉnh lộ.
Tuy nhiên, một số cây cổ thụ có đường kính lớn, tuổi đời cao, nên đã bị sâu mục gốc, thân, rễ bị thối dễ đổ gẫy trong mùa mưa bão. Đối với các cây này, Sở Xây dựng thường xuyên cho chăm sóc, cắt tỉa hợp lý, giằng chống khi gặp mưa bão để gìn giữ bảo tồn, nên các cây nguy hiểm được khảo sát để đốn hạ và thay thế.
Ngoài ra, đối với các cây được trồng theo quy hoạch trên các tuyến phố (đặc biệt các tuyến đường phố mới xây dựng, cải tạo từ 20 năm trở lại đây) có đường kính dưới 50cm và cây mới trồng được Sở Xây dựng giao các đơn vị quản lý cây xanh cắt tỉa tạo dáng cây, chống sâu, mối, nấm mục, dựng lại các cây nghiêng do mưa gió, quét vôi gốc cây. Hiện nay, nhóm cây này đang phát huy tác dụng tạo bóng mát và màu xanh cho Thành phố.
Công tác chỉnh trang cây xanh bóng mát (thay thế cây không đúng chủng loại cây xanh đô thị, cây sâu mục, nghiêng gãy…nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị) trên các tuyến phố bằng nguồn vốn kinh tế sự nghiệp và theo hình thức xã hội hóa đang được UBND Thành phố chỉ đạo triển khai trên một số tuyến phố trung tâm: Kim Mã, Nguyễn Thái Học… và một số địa điểm công cộng: khu vực vườn hoa quảng trường 19/8, trường THCS Trưng Vương, đường Hoàng Văn Thụ…
Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, áp lực của việc dân số tăng nhanh đòi hỏi hệ thống hạ tầng kỹ thuật – xã hội đô thị cũng phải phát triển đồng bộ để đáp ứng yêu cầu của người dân. Việc mở rộng lòng đường, xây dựng cầu đường, xén bớt vỉa hè, dải phân cách để tổ chức lại giao thông giảm ùn tắc của một số dự án buộc phải di chuyển, chặt hạ một số cây xanh bóng mát.
Trong thời gian vừa qua, các dự án như: Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Hầm chui Quốc lộ 6 nút giao Thanh Xuân, hệ thống xe buýt nhanh BRT…đã phải tổ chức di dời các cây bóng mát nằm trong mặt bằng xây dựng. UBND Thành phố đã giao Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát để hạn chế thấp nhất việc phải chặt hạ cây xanh, tổ chức dịch chuyển cây xanh trong phạm vi phải giải phóng mặt bằng đến vị trí khác phù hợp hoặc dịch chuyển về vườn ươm để chăm sóc, duy trì để tái sử dụng trồng lại đường phố; giữ lại cây nằm ngoài mặt bằng xây dựng, không vướng vào công trình; chỉ thực hiện chặt hạ cây xanh trong trường hợp cần thiết để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các dự án.
Theo UBND thành phố việc dịch chuyển, chặt hạ và chỉnh trang hệ thống cây xanh trên tuyến đường Nguyễn Trãi: Thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị 2014, Thành phố đã chỉ đạo triển khai thí điểm chỉnh trang tuyến đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) – Quang Trung (Hà Đông); trong đó giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu tổ chức lại giao thông bảo đảm thông thoáng và giao Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát, thay thế các cây không phù hợp chủng loại cây đô thị, các cây cong nghiêng đổ, sâu mục bằng các cây tương xứng, phù hợp với cảnh quan đô thị; kết hợp cắt tỉa các cành cây bảo đảm cho thi công các ga và tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông.
Bên cạnh việc dịch chuyển các cây xanh đô thị có kích thước vừa và nhỏ, thực hiện chặt hạ các cây cong nghiêng, sâu mục gây mất an toàn giao thông, cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị; Sở Xây dựng đã chỉ đạo trồng 78 cây lát hoa thay thế các cây chặt hạ trên vỉa hè hai bên trên tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã Tư Sở - ngã tư Khuất Duy Tiến).
Việc trồng lại cây đô thị bảo đảm tiêu chuẩn kích thước, đúng chủng loại thay thế cho các cây xanh bị chặt hạ trên trên dải phân cách sẽ tiếp tục được thực hiện sau khi Sở Giao thông vận tải phê duyệt phương án tổ chức giao thông.
Về dịch chuyển, chặt hạ cây trên dải phân cách phố Giảng Võ, UBND thành phố cho biết, việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh trên dải phân cách phố Giảng Võ để phục vụ thi công nhà chờ xe buýt nhanh BRT do Sở Giao thông vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư, sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới.
Sau khi kiểm tra thực tế ngoài hiện trường, Sở Xây dựng đã cấp giấy phép chặt hạ 04 cây (03 cây Chẹo và 01 cây Muồng) và dịch chuyển 06 cây Chẹo do các cây này nằm trong mặt bằng xây dựng nhà chờ xe buýt nhanh BRT. Công tác kiểm tra, cấp giấy phép tuân thủ theo quy định của UBND Thành phố.