UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 194/KH-BCĐTP về việc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn.
Theo Kế hoạch, Tổng điều tra phải bảo đảm các yêu cầu như: Công tác tổ chức, thu thập thông tin, xử lý số liệu, tổng hợp, công bố và lưu giữ thông tin cuộc Tống điều tra phải được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định của Phương án Tổng điều tra; Bảo đảm thu thập đầy đủ, chính xác, kịp thời, không trùng lặp, không bỏ sót các thông tin quy định trong Phương án Tổng điều tra; Bảo mật thông tin cá nhân thu thập từ các đối tượng điều tra theo quy định của Luật Thống kê; Việc quản lý và sử dụng kinh phí của cuộc Tống điều tra phải bảo đảm đúng chế độ hiện hành, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả
Đối tượng điều tra của cuộc Tổng điều tra gồm tất cả người Việt Nam thường xuyên cư trú trên địa bàn TP Hà Nội tính đến thời điểm điều tra; người Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh ra nước ngoài trong thời hạn quy định; Các trường họp chết của hộ dân cư (viết gọn là hộ) đã xảy ra từ ngày 01 Tết Âm lịch Mậu Tuất năm 2018 (tức ngày 16/02/2018 theo Dương lịch) đến hết ngày 31/3/2019; Nhà ở của hộ dân cư.
Đơn vị điều tra là hộ. Hộ bao gồm một người ăn riêng, ở riêng hoặc một nhóm người ăn chung và ở chung. Đối với hộ có từ 02 người trở lên, các thành viên trong hộ có thể có hay không có quỹ thu chi chung; có hoặc không có mối quan hệ ruột thịt, hôn nhân hay nuôi dưỡng; hoặc kết hợp cả hai.
Tổng điều tra được thực hiện toàn bộ trên phạm vi toàn thành phố đối với tất cả các đơn vị điều tra.
Thời điểm điều tra là 0 giờ ngày 01/4/2019. Thời gian điều tra (còn gọi là thời gian thu thập thông tin) tại địa bàn tiến hành trong 25 ngày, bắt đầu từ 07 giờ sáng ngày 01/4/2019 và kết thúc chậm nhất vào ngày 25/4/2019.
Trung bình mỗi năm dân số Thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người
Theo Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, trung bình mỗi năm dân số Thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương một huyện lớn. Những năm gần đây, số dân thuộc diện hộ khẩu thường trú của phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, đã tăng thêm cả vạn người, nâng tổng số lên 2,61 vạn người với gần 6.700 hộ. Nếu tính cả số lượng căn hộ xây mới của các dự án trên địa bàn phường đang và sẽ đưa vào sử dụng trong thời gian sắp tới thì số dân của phường này sẽ tăng lên tới khoảng 4 vạn người.
Còn phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, chưa kể dân của các khu đô thị lớn và hàng loạt dự án nhà ở, khu chung cư khác trên địa bàn đang đưa vào sử dụng đã có trên 4 vạn dân. Vì thế, thời gian tới, dân số phường này có thể tăng trên 8 vạn.
Cũng theo tính toán của Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, dân số Thủ đô trong 5 năm qua tăng thêm 1,3 triệu người, riêng khu vực nội thành tăng 1,2 triệu, trong đó phần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư. Nếu không tính người dân các địa phương lân cận về Hà Nội làm ăn theo mùa vụ và người vãng lai thì mật độ dân số trung bình hiện nay của Hà Nội khoảng 2.100 người/km2, khu vực trung tâm có mật độ cao nhất.
So với Thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN, mật độ trung bình ở mức từ 100 đến 200 người/km2, thì mật độ dân số của Hà Nội là quá cao. Có thể hình dung, chưa tính đến sự di chuyển của phương tiện giao thông chỉ cần từng ấy con người đứng cạnh nhau cũng đã là cả vấn đề. Tính đến cuối năm 2015, Hà Nội có khoảng 7,5 triệu nhân khẩu, trong đó, toàn thành phố có gần 1,5 triệu người tạm trú.
Theo dự báo của Viện Dân số và các vấn đề xã hội, đến năm 2050, dân số Hà Nội có thể tăng lên gấp đôi, tương đương khoảng 14 triệu người. Với tốc độ tăng trưởng dân số như vậy, Thủ đô đang phải chịu áp lực rất lớn trên mọi lĩnh vực.