LTS: 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, đế quốc Mỹ dùng toàn bộ lực lượng 200 máy bay chiến lược B52 của Mỹ ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á, bằng một nửa tổng số 400 máy bay B52 của toàn nước Mỹ - ồ ạt đánh phá Hà Nội. Số bom ném xuống bốn huyện ngoại thành và các khu phố đông dân trung tâm Hà Nội… đã bằng 5 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima Nhật Bản năm nào. Trong 12 ngày đêm Tháng Chạp năm ấy, Hà Nội đã quật tan xác 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B52. Chưa bao giờ Hà Nội và các tỉnh giáp Thủ đô lại bắt được nhiều giặc lái kiêu binh Hoa Kỳ đến như thế, từng xâu, từng bầy từ bốn cửa ô đi vào “khách sạn Hintơn Hà Nội”… Bốn chục năm qua rồi, Sức khỏe&Đời sống xin giới thiệu bài phóng sự Hà Nội - Tọa độ lửa của nhà báo Đỗ Quảng để bạn đọc cùng sống lại không khí sục sôi đánh Mỹ trong 12 ngày đêm. Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không đã ghi thêm một dấu son vào trang sử hào hùng của dân tộc.
...Hà Nội ngàn năm văn vật của chúng ta, bọn giặc lái Mỹ coi là khu 6, là tọa bộ lửa, đã bắn tan xác hàng loạt máy bay kẻ cướp Mỹ, trong đó có hàng chục chiếc B52 và tiêm kích “cụp, xòe”. Nét nổi bật là B52 - con chủ bài lớn nhất của không lực Hoa Kỳ, con ngáo ộp uy danh hão lần nào bay vào vùng tọa độ lửa cũng bị trừng phạt, hầu hết là bị hạ tại chỗ. Đi ra phía cửa ô nào của Hà Nội cũng thấy xác B52 tung tóe trên các cánh đồng trồng lúa, trồng khoai. Vung vãi cả vào các trận địa tên lửa, các nơi đặt súng tầm thấp, tầm cao. Rơi cả xuống hồ đình Hữu Tiệp, ao bèo trước cửa chùa Bát Mẫu làng hoa Ngọc Hà. Suốt đêm nhìn về phía làng hoa nổi tiếng ấy thấy rừng rực một cột lửa đốt xác B52 nằm chết gục trên đường Hoàng Hoa Thám. Một trong sáu giặc lái chiếc máy bay này là Giêm Uây-gấp đã rơi xuống ven Hồ Tây. May là hắn chưa xơi no nước hồ. Nhưng các bạn hắn, thiếu tá hoa tiêu B52 Giên Côn-đôn, trung tá Oan-tơ Côn-li điều khiển máy điện tử, trung úy Mai-cơn Rô-bớt Mác-ti-ni thì đã uống no nước Sông Hồng và nước ao bèo tấm làng Mai trước khi bị bắt.

Chưa bao giờ Hà Nội lại bắt gọn giặc lái đến thế.
Chưa bao giờ Hà Nội lại đánh tuyệt vời đến thế.
Bốn cửa ngõ vào Hà Nội, ô lửa nào cũng phát huy hết sức nóng và tầm đạn căng nhất của mình, chọn đúng đối tượng chính mà đốt, xé. Dường như đêm nào B52 Mỹ lũ lượt kéo nhau vào gây tội ác, nghe bom nổ rền rĩ, nhìn bốn phía lửa bầm máu trời Hà Nội, y rằng đêm đó B52, giặc lái chết và bị bắt sống theo tỷ lệ thuận với bom đạn chúng giội xuống tàn phá. Tọa độ lửa Hà Nội bắn rơi liên tiếp B52 đến nỗi những cái loa tâm lý chiến thường “ăn của đút” của Mỹ cũng phải thốt lên: “Các cuộc ném bom Hà Nội được coi là các cuộc ném bom dữ dội nhất trong cuộc chiến tranh đã làm cho Mỹ bị thiệt hại nặng nề nhất về người và trang bị. Với đà thiệt hại này, chẳng bao lâu nữa Mỹ sẽ mất hết toàn bộ số máy bay B52 nước Mỹ có”.
Hãng tin Anh Roi-tơ tính toán chi li và chỉ ra cho Ních-xơn thấy trước rằng, căn cứ vào mức độ thiệt hại 33 chiếc máy bay B52 bị hạ trong vòng 10 ngày, thì chiếc cuối cùng sẽ bị bắn rơi vào ngày 28/4/1973.
Hãy nghe hãng tin Pháp AFP bình luận: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam, lực lượng máy bay B52 của Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ đã vấp phải một hệ thống phòng không có hiệu lực đến như thế và đã bị thiệt hại nhiều máy bay đến như thế trong một thời gian ngắn như thế ở một thành phố như Hà Nội.
Đúng là như vậy, Hà Nội của chúng ta là một tọa độ lửa khủng khiếp đối với kẻ thù. Cái tọa độ lửa ấy đâu có phải chỉ là tên lửa bay theo ô đã chia nhau gùi gùi trên trời Hà Nội làm mờ hết sao đêm, còn là ánh sáng màu xanh trong trẻo của pháo tầm cao và đạn lửa ken lẫn đạn pháo đỏ than của súng máy bốn nòng cực nhanh phụt ra từ mặt đất, sân thượng tầng tư, tầng sáu, xóa mờ hẳn những đám lửa bom bay B52 ở tầng trời nào vào đánh phá Hà Nội, siêu pháo đài bay và “cụp, xòe” hợm hĩnh của Mỹ cũng vướng đạn, vướng lửa. Nói cho thật chính xác, chẳng phải chúng nó rơi nhiều, rơi liên tiếp vì vướng phải đạn của chúng ta, mà mỗi quả tên lửa, mỗi hòn đạn pháo một trăm ly hoặc mỗi viên đạn súng máy cỡ nhỏ phóng lên đều nhằm trúng đích, chọn đúng chỗ hiểm mà bắn cho nó rơi tại chỗ, chết tươi.
Qua một đêm chiến đấu hết sức quyết liệt, tảng sáng chúng tôi đến thăm trận địa pháo tầm cao phía Tây Nam Hà Nội. Quanh nòng súng các anh, đâu như vẫn còn khói súng bay trắng trước nòng. Áo quần, tai tóc và da dẻ các pháo thủ vẫn ám khét mùi thuốc nổ. Hoa hồng nở rộ trước các bồn hoa khẩu đội và phong lan xòe trắng trước lán ngủ, mọi sáng ngát hương, hôm nay cũng đổi màu và bốc lên nồng nặc mùi thuốc súng. Đồng chí Chính trị viên phó phân đội nói với chúng tôi: “Cả khói bom B52 từ Mễ Trì, từ làng Triều Khúc, từ Bệnh viện Bạch Mai và làng Phương Liệt bay dạt lại đây, các anh ạ”. Phải rồi, trận địa các anh trụ giữa những vệt bom rải thảm, và bốn bề lửa cháy. Đứng trên trận địa chốt này, các anh nghe rõ cả tiếng tre nứa nổ lốp đốp và ngọn lửa đảo tít trên rặng tre làng như một bàn tay vẫy gọi trả thù. Sau cái đêm 18/12/1972 rất đáng ghi nhớ đó, con đường đổ ra vùng ngoài Hà Nội, các ánh mắt lại lấp lánh nhìn thấy những chiếc xe ôtô chở đầy những em nhỏ rời Hà Nội đi sơ tán, giơ những bàn tay bé bỏng và mũ rơm huơ lên qua ô cửa chào vẫy các anh, hò hét gửi lại một nỗi nhớ và một niềm tin: “Các chú quật tan xác B52, giữ Hà Nội cho chúng cháu nhé!”. Những chuyến tàu điện chật ních người. Những chiếc xe môtô, xe đạp đèo bòng đưa các chị, các cháu ra khỏi Hà Nội theo lệnh phòng không sơ tán của thành phố.

Chớ có nghĩ Hà Nội rút chạy và run sợ dưới tầm bom rải thảm B52 giặc Mỹ. Một pháo thủ giật cò súng ở khẩu đội I, qua ba đêm giáp chiến với B52, sáng nay anh nhận được mẩu giấy ghi vài dòng của vợ nhờ bạn chuyển cho anh trên đường sơ tán. “Ngôi nhà chúng ta ở An Dương bom cào mất rồi anh ạ! Mẹ và hai con an toàn. Hôm nay em đưa mẹ và các con đi về Hồng". Lá thư kê tên vài người hàng xóm bị bom Mỹ giết và cuối cùng chị dặn anh một câu: "Thu xếp chỗ ăn ở cho mẹ và các con xong, em sẽ lại trở về cửa hàng bán gạo. Anh và các bạn hãy nhớ lấy thù máu Ních-xơn, thấu hết nỗi gian truân của mẹ và muôn bề vất vả của con mà đánh chúng nó cho xứng!".
Chúng tôi biết trận địa các anh đây không phải đến cái đêm 18/12, khi từng bày B52 từ Gu-am, từ U-ta-pao nối đuôi nhau bay về hướng Hà Nội, các anh mới chỉnh nòng pháo, ước tính tầm bay để cắt ngòi nổ và phóng đạn. Nghe Ban chỉ huy trình bày cái phương án đánh B52 thì rõ lắm rồi. Cái phương án hiệu nghiệm ấy ra đời từ trước nhiều ngày khi vệt bom đầu tiên ném xuống xóm làng Uy Nỗ, ngoại thành Hà Nội. Cả vùng trời Hà Nội đã được chia ô, khoanh góc, chia nhau đặt bệ phóng tên lửa và pháo tầm cao. Mà trận địa đây với ngần ấy khẩu pháo lớn cũng đã lại một lần nữa chia ô, sẻ góc nhỏ xíu nữa rồi, nghĩa là mỗi hòn đạn tung lên là phải trúng đích. Những người pháo thủ sao vuông, khoác áo thợ này trước khi nổ súng góp lửa hạ B52, đã trải qua một chuỗi ngày học kỹ thuật bắn B52 với tốc độ kỷ lục. Tất cả những kinh nghiệm diệt nó từ nhiều năm nay, từ nhiều chiến trường dường như đều đổ dồn tụ về trận địa này. Họ luyện tập ham mê như học tiện trục máy, và nặn khuôn đúc trong những ngày còn ở nhà máy của mình. Qua một đợt huấn luyện, cán bộ cấp trên xuống kiểm tra, dẫu ai ngặt nghịa nhất, nhìn các động tác lao đạn, bắt tầm bay, tầm bắn của họ với cặp mắt chuyên gia khắt khe nhất, cũng đều phải hài lòng. Một điều báo trước, là nếu chúng nó vào thì nhất định phải rơi ngay tại chỗ bởi những tay pháo thủ tài hoa này.
Chuẩn bị như thế, bước vào trận đánh thử hỏi sao mà không phát huy hết sức mạnh của súng và đạn. Chúng tôi nhớ, hơn ba tháng trước đó khi kéo pháo vào trận địa bốn bề lửa bom này, rặt là những tay thợ lần đầu làm bạn với pháo tầm cao, nổ súng trận thứ ba đã hạ gọn một thằng F8 trên vùng trời Tây Nam Hà Nội. Người Hà Nội đã chuẩn bị cho mình tất cả cái gì cần thiết để bước vào trận là có ngay cái thế tiến công áp đảo, đánh thắng ngay từ quả tên lửa đầu, loạt đạn pháo đầu. Mà đâu chỉ riêng các chiến sĩ tên lửa và pháo tầm cao, tầm thấp chuẩn bị. Cả các bà mẹ, các chị công nhân và dân phố cùng các anh chuẩn bị thật chu đáo trận đánh làm rạng rỡ chói ngời tên tuổi Thủ đô Hà Nội chúng ta.
Bà con tìm gửi các anh những bó giẻ lau súng, cả những tấm áo của các cụ già và em nhỏ còn thấm máu vì bom B52, vì bom F.111 đánh lén bới lên từ những đống gạch ngói, nhà cửa sập đổ tan
hoang. Không ít những người cha và người mẹ dành cả ngày nghỉ của mình (đáng lẽ đạp xe đi thăm con nơi sơ tán) để ra trận địa đắp thêm quanh cỗ pháo các anh thêm một lớp đất dày và một lớp cỏ xanh. Cả những đồng bào nhà cửa vừa bị bom phá, ngang đầu còn quấn khăn tang để trở cha mẹ vợ con vừa bị bom giết, lầm lũi khuân chuyển những hòm đạn to tướng đè nặng trên vai tưởng như không biết mệt là gì. Chuẩn bị cho những đêm chiến đấu tiếp theo không phải là những cái không khí náo nức nữa, mà là cái không khí nóng lòng trả thù, đòi tội máu. Đi tới trận địa nào, dù ở phía Đông hay phía Nam Hà Nội, dù ở bên này sông Hồng hay ở bên kia sông Đuống, chúng tôi cũng đọc được một dòng chữ viết ngay trên cánh tên lửa và bệ phóng; nó như một lời nhắn nhủ tâm huyết yêu thương đối với các chiến sĩ bảo vệ vùng trời Hà Nội: “Hãy quật cổ tại chỗ nhiều B52 để trả thù cho Uy Nỗ, Mễ Trì, trả thù cho Khâm Thiên, An Dương... Vì Hà Nội, vì nền độc lập tự do của Tổ quốc mà chiến đấu đến cùng!". Nói sao cho hết tấm lòng thương yêu dào dạt của đồng bào, đồng đội gửi gắm niềm tin đánh thắng và trái tim người lính bảo vệ Hà Nội.
Trong câu chuyện bên mâm pháo hay dưới dàn tên lửa trực chiến, không ít các chiến sĩ trẻ bộc lộ niềm xúc động sâu xa đối với Hà Nội da diết thương yêu khi giật cò súng và ấn nút tên lửa đánh địch. “Chúng nó đánh giá lầm người Hà Nội chúng ta các anh ạ! Dưới tầm bom B52, Hà Nội không những không nao lòng mà ý chí càng rắn đanh lại như thép luyện". Người nói với chúng tôi câu đó là một chiến sĩ trinh sát còn trẻ trên trận địa phía Nam nóng bỏng lửa đạn. Anh kể rằng, trong đêm sương mùa đông quẩn đặc, với đôi mắt tinh kỳ lạ, khi những tốp B52 cách xa Hà Nội hàng trăm cây số, anh đã bắt được nó rồi. Các bạn đồng đội của anh chẳng cần phải vội vàng gì hết, cứ ngồi đàng hoàng trên ghế súng mà rê nòng, điều chỉnh hướng bắn cho thật chính xác...
Ban đêm, khi cả Hà Nội rùng mình nổi lửa diệt pháo đài bay B52, đứng trên chòi quan sát, phóng tầm mắt ra khắp Hà Nội, từ tầm cao nhìn sông Hồng, Hồ Gươm lấp lánh dưới vầng lửa màu hồng tên lửa và màu sáng xanh của mâm pháo tầm cao mới thấy hết cái dữ dội của tọa độ lửa Hà Nội. Xa hơn nữa, chúng tôi thấy từng chiếc Mích nối đuôi nhau như bơi đi trong cái màn khói mờ ảo, ánh lửa đỏ nhấp nhoáng trên cái thân hình mũi tên thon nhỏ cánh én đang rẽ mây mà lao lên chiếm tầng cao. Cùng với hỏa lực mặt đất cực kỳ lợi hại, các anh chia nhau đi nhiều ngả, đánh vòng ngoài, chặn vòng trong và dồn chúng nó về từng các ô chia lửa mà tên lửa và súng tầm cao đã câu sẵn rồi. Mười một đêm liền, đêm nào Hà Nội cũng nổ súng, nhìn về hướng nào cũng thấy máy bay cháy đỏ trời. Đêm nào Hà Nội cũng rậm rịch chở giặc lái bằng xe bình bịch ba bánh, bằng xe com-măng-ca, xe ben chở đá xây dựng công trường... Nhiều đêm, Hà Nội chiến đấu, đèn điện đường phố tắt hết, các chiến sĩ lái xe của chúng ta chở những thằng giặc lái vừa bị bắt trong đợt nổ súng đầu tiên, phóng với tốc độ sáu bảy chục cây số giờ trên đường dưới ánh sáng của tên lửa bay, của tầng pháo cao và súng tầm thấp giăng đầy mặt đất đi vào trại giam...
Tên đại úy không quân Rô-bớt Gieo Xéc-ten, phi công hoa tiêu, khai rằng: “Bay đêm vào Hà Nội thì tưởng không sợ Mích công kích, các bệ tên lửa và các ổ súng phòng không không nhìn thấy được. Nhưng bắt đầu bay vào khu 6, lọt vào cái tọa độ lửa Hà Nội rồi tôi mới thấy là cực kỳ khủng khiếp".
Tên Lu-it Lơ-bơ-lăng, thượng sĩ, hắn bắn súng trên máy bay B52, nói thật cái tâm trạng của hắn: "Ngồi ở cuối máy bay, nhìn tên lửa của các ông lao tới mà sợ và cầu Chúa. Không thể chờ lệnh chỉ huy được... tôi đã tung dù, nhảy khỏi máy bay...".
Hà Nội khu 6, Hà Nội tọa độ lửa của chúng ta là như vậy. Chúng nó cứ vào, Hà Nội đã chia ô bắn, đã chia vùng trời cho tất cả cỡ súng.
Đỗ Quảng