Hà Nội

Hà Nội: Tiêu hủy gần 10.000 con lợn bệnh mỗi ngày, thanh tra việc phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

06-07-2019 18:36 | Thời sự
google news

SKĐS - Cùng với việc tiếp tục siết chặt quản lý vận chuyển, kinh doanh lợn không rõ nguồn gốc, Hà Nội sẽ mở đợt thanh tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi từ tháng 7 đến hết năm 2019.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh này có đặc điểm lây lan nhanh trên lợn; bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%. Hiện nay, bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh và cũng chưa có thuốc để điều trị bệnh.

Hà Nội có tổng đàn lợn lớn thứ hai cả nước (sau Đồng Nai) với khoảng 1,9 triệu con. Tính đến khi phát hiện ổ dịch tả lợn đầu tiên tại hộ chăn nuôi lợn rừng vào ngày 24/2/2019 tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), đến nay, bệnh dịch đã xảy ra tại 24 quận huyện trên địa bàn thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 414.000 con lợn. Số lợn phải tiêu hủy bình quân mỗi ngày ở Hà Nội khoảng 6.600 con. Trong nhiều ngày gần đây, số lợn phải tiêu hủy của toàn thành phố lên đến gần 10.000 con mỗi ngày.

Để tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi về hoạt động kiểm soát giết mổ; kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn thành phố, Thanh tra Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch các biện pháp tăng cường nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các trạm chăn nuôi và thú y về hoạt động kiểm soát giết mổ; kiểm tra vệ sinh tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố năm 2019.

Qua kiểm tra nhằm đánh giá chức trách nhiệm vụ được giao của các trạm chăn nuôi và thú y thông qua các công tác tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách với UBND các quận huyện, thị xã, với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội; việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện những nội dung chưa phù hợp trong các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động giết mổ trên địa bàn thành phố để kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, phát huy những mặt tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động kinh doanh, giết mổ trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục siết chặt quản lý vận chuyển, kinh doanh lợn không rõ nguồn gốc để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe của người dân.

Siết chặt quản lý cung ứng tinh dịch lợn trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng

Sở NN-PTNT Hà Nội vừa có văn bản đề nghị các quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc… tăng cường công tác quản lý cung ứng tinh dịch lợn trên địa bàn thành phố. Cụ thể, thực hiện một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…, ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ chi phí thụ tinh nhân tạo khi phối giống bằng tinh bò sữa, bò thịt chất lượng cao, tinh lợn giống cao sản.

Về việc này, Sở NN-PTNT Hà Nội đã ký hợp đồng với nhà thầu cung ứng tinh dịch lợn cho các hộ chăn nuôi lợn nái trên địa bàn thành phố 6 tháng cuối năm 2019. Địa bàn cung ứng, gồm 17 huyện, thị xã: Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Gia Lâm, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai và Thạch Thất.

Từ ngày 1/1/2017, Sở NN-PTNT giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội kiểm tra, xác nhận kết quả thực hiện hợp đồng cung ứng tinh dịch lợn trên địa bàn thành phố. Kinh phí phục vụ công tác kiểm tra, xác nhận kết quả cung ứng tinh dịch lợn hằng năm do ngân sách thành phố cấp. Hiện nay, tình hình dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố có diễn biến phức tạp và nguy hiểm, tại nhiều địa bàn, số lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy gần 25% tổng đàn.

Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh, duy trì và khôi phục phát triển chăn nuôi lợn, phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ của thành phố, Sở NN-PTNT yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y các huyện nêu trên phối hợp chặt chẽ với Phòng Kinh tế, nhà cung ứng tinh dịch lợn quản lý chặt chẽ đàn lợn nái hiện có, hướng dẫn các hộ phối giống, quản lý giống theo các quy định hiện hành.

Liên quan đến vấn đề trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y, Ban chăn nuôi và thú y cơ sở xác nhận danh sách hộ có lợn nái thực hiện thụ tinh nhân tạo, kết quả cung ứng tinh dịch lợn của các nhà cung ứng tinh dịch lợn để Sở NN-PTNT nghiệm thu, thanh toán, quyết toán kinh phí theo quy định.

Các nhà cung ứng tinh dịch lợn phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, phòng kinh tế, trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị xã, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội trong công tác cung ứng tinh dịch lợn đảm bảo về số lượng, lượng tinh dịch lợn và thời gian đảm bảo kịp thời cấp tinh cho đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ…

 

Về kiểm tra vệ sinh thú y đối với thịt lợn, Sở NN-PTNT cho biết: Tại cơ sở giết mổ được quản lý là 287.687 con lợn, giảm 13,50% so với cùng kỳ năm 2018; tại các chợ 7.794.062kg, tăng 9,80% so với cùng kỳ năm 2018.

Tương tự, kiểm tra tại các chốt kiểm dịch liên ngành, trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật: Lợn chưa giết mổ là 235.577 con, giảm 24,08% với cùng kỳ năm 2018; lợn đã giết mổ 176.999 con, giảm 26,89% so với cùng kỳ năm 2018.

 


L.Nguyên
Ý kiến của bạn