Hà Nội

Hà Nội: Tiêu huỷ 10 vạn con lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi, tốn hơn 200 tỷ đồng

13-05-2019 13:50 | Thời sự
google news

SKĐS - Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã tiêu hủy 10 vạn con, giá 38.000đ/kg, tiêu tốn hơn 200 tỷ. Tỷ lệ tiêu hủy đang được duy trì thấp, mới xấp xỉ 5% tổng đàn.

Theo ông Sửu, từ tháng 8, tháng 9 năm ngoái, Hà Nội đã quyết tâm chỉ đạo sát sao, thực hiện nghiêm các biện pháp của Thủ tướng và Bộ NN-PTNT đề ra. Thành phố hiện đứng thứ hai cả nước về số đàn lợn với hơn 1,9 triệu con.

Hiện thành phố đã tiêu hủy 10 vạn con, giá 38.000đ/kg, tiêu tốn hơn 200 tỷ. Tỷ lệ tiêu hủy đang được duy trì thấp, mới xấp xỉ 5% tổng đàn.

Trước những khó khăn của công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, lãnh đạo TP. Hà Nội cho rằng, bồi dưỡng cho các lực lượng còn thấp, chỉ có 100.000 đồng/ngày mà cứ đêm khuya có báo động là phải đi. Vì vậy, Hà Nội đề nghị chính phủ và Bộ NN-PTNT có hỗ trợ về bồi dưỡng cho lực lượng thú y.

Các xã, thôn của Hà Nội đang cố gắng không để lợn chết, lợn bệnh bị quăng ra đường, ra ao, ra sông. Hà Nội cũng tăng cường các điểm giết mổ, quản lý. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội hứa với Phó Thủ tướng và Bộ trưởng sẽ nghiêm túc thực hiện các nhóm giải pháp.

Hà Nội diễn tập ứng phó khẩn cấp dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Nam Nguyễn.

Trước vấn đề, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Hà Nội đã cầm cự đến giờ phút này, với tinh thần trách nhiệm rất cao, những kiến nghị của Hà Nội, chúng tôi sẽ tiếp thu để đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tế. Chúng tôi cũng hoàn toàn nhất trí về chủ động chăn nuôi, chủ động thịt lợn vào thời điểm cuối năm...

Xác lợn chết vẫn... trôi sông

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay chưa có quốc gia nào trên thế giới được công nhận an toàn sinh học đối với dịch tả lợn Châu Phi. Riêng Trung Quốc đã phải tiêu huỷ trên 10 triệu con lợn. Một đoàn công tác ở Trung Quốc nói rằng, tình hình trầm trọng hơn rất nhiều. Tại Campuchia, đã có nhiều ổ dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, trong đó có các ổ dịch giáp với tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk.

Tại Việt Nam, sau khi phát hiện những ổ dịch tả lợn châu phi đầu tiên, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, đưa ra các giải pháp phòng, chống. Đồng thời, tổ chức 3 hội nghị trực tuyến để quán triệt tinh thần chống dịch, đốc thúc các địa phương tăng cường nâng cao nguồn lực chống dịch.

Bộ NN-PTNT và Cục Thú y đã tổ chức rất nhiều đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc triển khai. Qua đó đã giảm được thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi gây ra. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn triển khai quyết liệt các giải pháp an toàn sinh học, tổ chức xây dựng chuỗi thịt lợn an toàn, do đó, góp phần mang thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng - Thứ trưởng Tiến nói.

Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, các địa phương cũng đã triển khai mở rộng quy mô sản xuất gia cầm, động vật ăn cỏ như bò thịt, bò sữa để bù đắp thiếu hụt sản lượng thịt lợn trong nước trong thời gian tới. Chính phủ và các bộ, ngành, các đơn vị nghiên cứu cũng đã xây dựng đề án sản xuất vắc xin để chủ động phòng chống dịch.

Người dân vớt xác lợn chết mắc kẹt tại khu vực cầu Gia Tư, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Minh Phúc.

Tính đến ngày 12/5/2019, số lợn bệnh buộc phải tiêu huỷ đã lên tới hơn 1,2 triệu con, đây là con số thiệt hại rất lớn, cho thấy tính chất phức tạp, nguy hiểm của dịch. Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, hiện vẫn có một số tỉnh chậm công bố dịch, tiêu huỷ lợn chết chưa kịp thời trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện.

Đáng lưu ý, khi các đoàn kiểm tra lên kiểm tra Bắc Giang, tại điểm giáp ranh giữa huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) và huyện Phú Bình (Thái Nguyên), xác lợn chết trôi từ kênh mương trên địa bàn Thái Nguyên về phía Bắc Giang rất lớn. Điều đó cho thấy, các địa phương chưa thực sự chống dịch hiệu quả.

Bên cạnh đó, công tác tiêu huỷ lợn bệnh ở nhiều nơi chưa đúng quy trình kỹ thuật do Bộ NN-PTNT hướng dẫn, chưa bố trí kinh phí xứng tầm cho công tác phòng, chống dịch; chế độ, chính sách cho người tham gia phòng, chống, tiêu huỷ lợn còn thấp, chưa sát với thực tế. Người tiêu huỷ dịch không được trang bị trang phục, phương tiện vận chuyển, dụng cụ phun thuốc tiêu độc khử trùng chuyên dụng, dẫn đến để lây lan mầm bệnh. Bên cạnh đó, công tác chi trả hỗ trợ lợn chết buộc phải tiêu huỷ rất chậm.

 

Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 12/5/2019, Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 1.220.488 con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước).

Tuy nhiên, thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.

 


D.Hải
Ý kiến của bạn