Hà Nội tiếp tục trồng 1 triệu cây xanh, hàng loạt biện pháp chống ô nhiễm

19-12-2019 09:50 | Thời sự
google news

SKĐS - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Vận động người dân không sử dụng bếp than tổ ong, vứt bỏ rác thải; vệ sinh đường làng, ngõ xóm....

Tại cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị để đôn đốc công việc Thành phố triển khai trong thời gian qua về bảo vệ môi trường, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Chung cho biết, trong những năm qua, Thành phố đã quan tâm đến công tác quản lý môi trường, bảo vệ môi trường trên mọi lĩnh vực, song từ năm 2015 trở lại đây, Thành phố đã triển khai bài bản, quyết liệt hơn. Đặc biệt, từ khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, bài bản, đạt kết quả tương đối đồng bộ.

Tuy nhiên, ông Chung cũng cho rằng, trong quá trình tổ chức thực hiện, sự phối hợp giữa các sở ngành, quận huyện, các đơn vị thực hiện chưa đồng bộ. Một số đơn vị triển khai các nhiệm vụ còn chậm so với tiến độ Thành phố giao. Việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy, xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nội đô và hệ thống cấp nước sạch khu vực nông thôn còn chậm; Việc xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy còn chưa đáp ứng được yêu cầu...

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong thời gian tới, ông Chung giao Sở Tài nguyên Môi trường triển khai lắp đặt các trạm quan trắc cảm biến trong quý 1/2020. Sở Xây dựng, các quận huyện tiếp tục đôn đốc việc xử lý ô nhiễm ở các ao hồ; đầu tư hệ thống cân, lắp camera, biển số xe... kiểm soát chặt, theo dõi hành trình các xe chở rác; nghiên cứu, lấy ý kiến về quy định che chắn công trình xây dựng; bảo đảm việc đổ phế thải xây dựng đúng quy định.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc.

Sở Thông tin và Truyền thông và các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến tận tổ dân phố, vận động người dân không sử dụng bếp than tổ ong, vứt bỏ rác thải; vận động người dân tham gia phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần. Tuyên truyền vận động, xử lý việc đốt rác, nhất là ở các huyện ngoại thành, các làng nghề, hạn chế, tiến tới không để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì đề án nhân rộng mô hình sử dụng công nghệ xử lý rơm rạ thành phân bón; Sở Giao thông vận tải sớm làm việc với Bộ GTVT về vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí của các loại xe, sớm có quy định về thu hồi và xử lý các xe quá hạn sử dụng; Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các xe chở vật liệu không che chắn theo quy định.

Lãnh đạo TP. Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Trong công tác cải tạo sửa chữa, các quận, huyện cần tăng cường công tác lập hồ sơ, phương án thi công "làm đến đâu gọn đến đó". Các công ty thu gom rác bảo đảm việc thu gom sạch sẽ, tiết kiệm, khoa học áp dụng cơ giới hóa vào thu gom rác.

Trong thời gian tới, Thành phố sẽ giao các ngành chức năng tham mưu dự thảo, trình HĐND TP ban hành nghị quyết về chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm; đơn giá định mức thu giá xử lý xả thải của các làng nghề, các hộ kinh doanh; Xây dựng quy trình lấp các giếng khoan của người dân.

Sở TN&MT Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, địa bàn Hà Nội xuất hiện 6 đợt kéo dài không khí có chất lượng ở mức kém, xấu và rất xấu. Trong đó, cao điểm nhất là từ 8-14/12, chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu.
Đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm, Sở TN&MT cho rằng nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng điều kiện thời tiết cực đoan; nguyên nhân chủ quan là từ khí thải của các phương tiện giao thông tập trung cao tại khu đô thị; do một số bộ phận người dân sử dụng than tổ ong; do hoạt động đốt rơm rạ; phá dỡ công trình xây dựng cũ để xây dựng mới; vận chuyển vật liệu xây dựng; khí thải từ trại chăn nuôi; từ thu gom xử lý nước thải sinh hoạt; ô nhiễm ao hồ, bùn thải; khói bụi từ cơ sở sản xuất trên địa bàn và tỉnh lân cận...

D.Hải
Ý kiến của bạn