Hà Nội

Hà Nội tiếp tục tăng cường các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

15-08-2019 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, để chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trong giai đoạn hiện nay, đồng thời, thực hiện tốt việc quản lý tái đàn lợn nhằm duy trì, phát triển ngành chăn nuôi, hiệu quả, bền vững phải nghiêm túc thực hiện các yêu cầu: Chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi phải kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh; có lưới bao xung quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh (chuột, chim, ruồi, muỗi...).

Tại lối ra vào chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng, thay bảo hộ lao động cho người ra, vào khu vực chăn nuôi. Nên có ô chuồng nuôi cách ly nuôi lợn mới nhập hoặc nuôi lợn bị bệnh. Có khu vực thu gom và xử lý chất thải. Nếu có điều kiện thì nuôi theo phương pháp cách ô (mỗi ô chuồng có khoảng trống 0,8-1m) để giảm thiểu lợn giữa các ô chuồng tiếp xúc với nhau.

Không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các chuồng. Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín. Nước thải ô chuồng nào thoát riêng ô chuồng đó ra đường thoát nước chung.

Bệnh DTLCP làm mắc bệnh và tiêu hủy 504.602 con lợn tại Hà Nội. Ảnh minh họa.

Về con giống: Lợn nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh. Đối với lợn nhập từ ngoài tỉnh phải có giấy kiểm dịch. Trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần. Về thức ăn và nước uống: Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng, mốc và còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và an toàn.

Trường hợp sử dụng thức ăn tận dụng phải được xử lý nhiệt trước khi cho ăn. Không sử dụng thức ăn thừa trong máng ăn của đàn lợn đã xuất chuồng và thức ăn của đàn lợn đã bị dịch bệnh cho đàn lợn mới. Nguồn nước cho chăn nuôi lợn phải đảm bảo an toàn. Nên bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa, sức đề kháng cho lợn.

Về chăm sóc, nuôi dưỡng: Áp dụng phương thức quản lý "cùng vào - cùng ra" theo thứ tự ưu tiên dãy chuồng, ô chuồng. Có quy trình chăn nuôi phù hợp với từng loại lợn theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Nên áp dụng phương thức nuôi khô, không sử dụng nước tắm cho lợn. Sử dụng các chế phẩm sinh học trong nước uống, độn chuồng và định kỳ phun sương trong chuồng nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng cường phòng, chống dịch.

Ngoài ra, cần làm tốt công tác vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào chuồng nuôi; kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi; xử lý chất thải chăn nuôi; quản lý dịch bệnh…

Trong công văn này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo hướng dẫn nêu trên.

 

Đến nay, bệnh DTLCP trên địa bàn thành phố đã xảy ra tại 28.884 hộ chăn nuôi (chiếm 35,8% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 2.321 thôn, tổ dân phố của 447 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 504.602 con lợn (chiếm 26,9% tổng đàn) với trọng lượng 34.674 tấn.

Tổng số lợn nái, đực giống mắc bệnh, tiêu hủy là 66.097 con, chiếm 13% tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy.

 


T.H
Ý kiến của bạn