Vào lúc 8h00 sáng nay, bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất của hệ thống quan trắc chất lượng không khí AirVisual, Hà Nội đứng thứ 2 với hầu khắp các điểm đo có chất lượng không khí rất xấu. Chỉ số AQI trung bình của Hà Nội là 242.
AirVisual là tên ứng dụng và website của IQAir AirVisual. Tổ chức IQAir AirVisual được thành lập vào năm 2015, có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc và Thụy Sĩ. Đây là tổ chức sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí. Dữ liệu của IQAir AirVisual được thu thập từ các trạm quan trắc không khí của nhiều chính phủ và tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu. Thông tin quan trọng nhất trong dữ liệu của IQAir AirVisual là chỉ số bụi mịn PM2.5 trong không khí.
Sáng nay, tại Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP Hà Nội, hầu hết các điểm của Hà Nội có cảnh báo ô nhiễm không khí ở mức đỏ hoặc cam. Các điểm có chỉ số AQI cao nhất là đường Phạm Văn Đồng 194, Công viên hồ Thành Công 188, quận Hoàn Kiếm 173, tây Hồ Tây 156, Cung thiếu nhi Hà Nội 181... Toàn thành phố Hà Nội, không có điểm nào, chỉ số không khí đạt mức màu xanh (mức an toàn cho sức khỏe).
Lúc 8h30 phút sáng nay, trên hệ thống cảnh báo chất lượng không khí PamAir, chỉ số chất lượng không khí ở nhiều khu vực của Hà Nội ở mức báo động, nguy hại khi hít phải. Một số điểm đo có chỉ số cao là khu vực quận Cầu Giấy có AQI 424, quận Tây Hồ 323, Học viện Nông nghiệp Việt Nam 349, Thị trấn Đông Anh 257, quận Thanh Xuân 267... Rất nhiều điểm đo khác có mức cảnh báo màu đỏ đến tím (mức nguy hại cho sức khỏe).
Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường lý giải những ngày gần đây xuất hiện tình trạng ô nhiễm bụi tại một số địa phương, đặc biệt là Hà Nội. Thời tiết giao mùa, khô hanh khiến bụi phát tán rộng. Việc đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp của người dân ngoại thành cũng khiến tình trạng ô nhiễm thêm phức tạp. Chất lượng không khí đang có xu hướng diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội".
Để ứng phó với tình trạng này, các địa phương cần tăng cường kiểm soát nguồn thải, khuyến cáo người dân không đốt rơm rạ, rác, phụ phẩm nông nghiệp, tăng cường che chắn các công trình xây dựng, phun rửa đường để giảm lượng bụi phát tán ra môi trường.
Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng với số lượng bệnh nhân nhập viện vì bệnh hô hấp gia tăng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật toàn cầu năm 2019 (IMHE, 2019), ô nhiễm không khí đứng thứ 5 trong các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở Việt Nam, đứng sau các nguyên nhân như cao huyết áp, đường huyết, hút thuốc và chế độ ăn uống. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thường xuyên theo dõi chất lượng không khí và có biện pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 29/11: Phẫn nộ lời khai của bảo mẫu làm bé sơ sinh ở Hà Nội tử vong chỉ sau 1 đêm | SKĐS