Hà Nội

Hà Nội tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh lớp 4 -5, cần làm gì để chuẩn bị tốt tâm lí cho trẻ?

19-04-2022 14:55 | Y tế
google news

SKĐS - Sáng 19/4, bé Đàm Đức Minh vừa tròn 10 tuổi, học sinh lớp 4A4- trường Tiểu học Lý Thường Kiệt - là 1 trong 11 học sinh của lớp được tiêm vaccine. Mẹ bé cho biết bé đã mắc COVID-19 cách đây hơn 4 tháng nên đủ điều kiện tiêm chủng.

Sau khi những học sinh lớp 6 đầu tiên sinh từ 1/4 đến 31/12/2010 được tiêm vaccine COVID-19, theo nguyên tắc hạ dần độ tuổi, từ chiều 18/4, một số quận, huyện ở Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh 11 và 10 tuổi (tương ứng lớp 5, lớp 4).

Tại quận Đống Đa, trường Tiểu học Thịnh Hào là địa điểm được lựa chọn để tiêm vaccine cho học sinh nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận. 

Sáng 19/4, bé Đàm Đức Minh vừa tròn 10 tuổi, học sinh lớp 4A4- trường Tiểu học Lý Thường Kiệt - là 1 trong 11 học sinh của lớp được tiêm vaccine. Mẹ bé cho biết bé đã mắc COVID-19 cách đây hơn 4 tháng nên đủ điều kiện tiêm chủng. 

Hà Nội tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh lớp 4 -5, cần làm gì để chuẩn bị tốt tâm lí cho trẻ? - Ảnh 1.

Bé Đàm Đức Minh được bố mẹ đưa đi tiêm chủng vaccine COVID-19 sáng 19/4. Sau khi được giới thiệu về loại vaccine sẽ tiêm, bé được hướng dẫn nhìn thẳng lên bảng, không nhìn vào mũi tiêm để tránh tâm lý lo sợ khi tiêm. Ảnh: VT

"Cả gia đình tôi đều đã từng mắc COVID-19, hiểu giá trị của vaccine ra sao, vì thế gia đình chờ từng ngày để bé được tiêm vaccine. Khi nhà trường lấy ý kiến và danh sách đăng ký tiêm, chúng tôi ghi tên con ngay" - chị Đào Như Quỳnh, mẹ bé, chia sẻ.

Theo thống kê, năm học 2021-2022, tại Hà Nội, có hơn 157.000 trẻ là học sinh mẫu giáo sinh từ 1/1/2016 đến 1/4/2017; hơn 743.000 học sinh tiểu học (sinh năm 2015-2011), hơn 102.600 trẻ là học sinh lớp 6 sinh từ 1/4 đến 31/12/2010.

Ngoài ra, còn hơn 6.600 trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, không đi học nhưng sống trên địa bàn thành phố. 

Tính từ chiều 16 tới cuối giờ chiều 18/4, có hơn 25.000 trẻ ở Thủ đô (chủ yếu là học sinh lớp 6) đã được tiêm vaccine COVID-19. Hiện chưa ghi nhận trường hợp phản ứng bất lợi sau tiêm chủng.

Cần chuẩn bị tốt tâm lí cho trẻ trước khi tiêm chủng

TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, tiêm vaccine được xem như một sang chấn tâm lí đối với trẻ. Lo lắng quá mức khi tiêm chủng có thể dẫn đến các biểu hiện như: thở nhanh, choáng váng, chóng mặt, vã mồ hôi, co giật, ngất…

Khuyến cáo này được đưa ra ngay trong thời điểm Hà Nội và cả nước triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Thực tế, Khoa Sức khỏe vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương - từng tiếp nhận, điều trị một số trường hợp trẻ từ 13-15 tuổi có triệu chứng co giật, ngất sau khi tiêm vaccine COVID-19. 

Hà Nội tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh lớp 4 -5, cần làm gì để chuẩn bị tốt tâm lí cho trẻ? - Ảnh 2.

Động viên trẻ sau tiêm vaccine COVD-19, ảnh chụp tại điểm tiêm trường Tiểu học Thịnh Hào, quận Đống Đa sáng 19/4.

Các chuyên gia cho biết, một số biểu hiện xuất hiện sau tiêm có thể không liên quan đến vaccine mà liên quan đến yếu tố tâm lý. Bởi sau khi thăm khám, các bác sĩ loại trừ các nguyên nhân thực thể, bước đầu xác định các bệnh nhi này bị co giật phân ly, một trong những biểu hiện của rối loạn phân ly.

Để tránh xảy ra những hiện tượng trên, bố mẹ và thầy cô giáo cần động viên, chuẩn bị tâm lý tốt cho trẻ trước khi tiêm.

"Hãy thông tin cho trẻ biết quá trình tiêm vaccine sẽ diễn ra như thế nào, giúp trẻ yên tâm là luôn có đội ngũ y tế hỗ trợ kịp thời khi các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm chủng. Cha mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý và giảm sức ép từ việc học tập trước thời gian tiêm chủng" – bác sĩ Loan khuyến cáo.

Để phòng những biến cố bất lợi sau tiêm vaccine, trong kế hoạch tiêm chủng do liên Sở Giáo dục & Đào tạo - Y tế ban hành ngày 15/4, Hà Nội yêu cầu các điểm tiêm bố trí khu vực tiêm, theo dõi sau tiêm cần có không gian riêng nhằm tránh phản ứng dây chuyền không mong muốn do tâm lý sợ tiêm của trẻ.   

Rối loạn phân ly (trước kia gọi là Hysteria) là bệnh lý tâm thần thường gặp, tỷ lệ: 0,3-0,5% dân số. Theo Phân loại bệnh của Tổ chức Y tế thế giới (ICD 10), rối loạn phân ly là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữa trí nhớ quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động. Rối loạn này gặp nhiều hơn ở trẻ em gái, thường xuất hiện sau những sang chấn tâm lý, các vấn đề khó khăn trong học tập, mối quan hệ mà người bệnh không thể giải quyết được.

Rối loạn phân ly chủ yếu được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý kết hợp với bồi dưỡng nhân cách, thiết lập môi trường phù hợp. Quá trình điều trị thường cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì của cán bộ y tế, gia đình và người bệnh.



Võ Thu
Ý kiến của bạn