Vietnam Recycles là chương trình thu hồi và tái chế miễn phí các sản phẩm rác điện tử do Apple và HP hậu thuẫn. Trước khi đổ bộ Hà Nội, chương trình này đã được tiến hành tại TP.HCM từ tháng 5/2015.
Việc tiêu hủy chất thải điện tử không đúng cách đã và đang ảnh hưởng rất tiêu cực đến môi trường sống, bởi trong thiết bị điện tử có chứa rất nhiều hóa chất độc hại như chì, thủy ngân... Nếu bị phá hủy sai cách, những hóa chất này có thể rò rỉ, ngấm vào đất hoặc phát tán vào không khí, gây ô nhiễm nặng nề môi trường xung quanh.
Vấn đề rác điện tử đặc biệt nghiêm trọng và nóng bỏng tại các quốc gia đang phát triển. Trung Quốc - nước láng giềng của Việt Nam - thậm chí đã phải xếp rác điện tử vào một trong những nguy cơ hàng đầu, khi nhiều ngôi làng đã bị tàn phá, hủy diệt môi trường sống chỉ vì nghề "thu gom rác thải điện tử".
Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Hiện vấn đề rác thải nói chung và rác thải điện tử đang gây áp lực lớn lên Chính phủ, đòi hỏi một khung pháp lý để xử lý vấn đề một cách an toàn, bền vững. Năm 2013, Bộ Tài nguyên & Môi trường từng ban hành Quyết định 50 về thu hồi sản phẩm thải bỏ, nhưng sau khi Luật Môi trường ra đời, các cơ quan chức năng đã rà soát lại các văn bản hiện hành và ban hành Quyết định 16, thay thế Quyết định 50 nói trên.
"Chương trình Việt Nam Tái chế có hai mục tiêu. Một là thí điểm, cố gắng hình thành một hệ thống thu gom tái chế chính thống tại Việt Nam và Hai là tập hợp kinh nghiệm thực tế để phục vụ cho Bộ Tài nguyên & Môi trường xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 16", đại diện chương trình cho hay.
Hiện tại, rác thải điện tử thu gom được sẽ được vận chuyển bằng xe chuyên dụng đến 2 cơ sở xử lý chính thức của chương trình đặt tại Hà Nội và TP.HCM. Hai nhà máy này đã được đào tạo theo chuẩn tái chế chặt chẽ của Mỹ và châu Âu để thu gom, tháo dỡ và phân loại rác điện tử một cách an toàn, khoa học, thân thiện với môi trường.
"Không làm vì lợi nhuận!"
Trao đổi với VietNamNet, bà Monina De Vera-jacob, quản lý bộ phận môi trường khu vực Đông Nam Á của HP châu Á-Thái Bình Dương và Nhật Bản thừa nhận, thách thức lớn nhất của chương trình chính là việc tham gia của cộng đồng, sự thay đổi nhận thức từ phía người dân. Chẳng hạn như dù đã trải qua hơn 4 tháng triển khai nhưng nhà máy tại TP.HCM mới chỉ thu gom được 320 kg rác điện tử mà thôi.
Người dân thường không có thói quen mang đồ điện tử hỏng, không dùng nữa đến các điểm thu gom mà sẵn sàng đem bán lại với giá bèo. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ngay cả những nước phát triển như Singapore cũng vậy, bà Monina cho hay. "Đây không phải là vấn đề có thể giải quyết được trong một đêm. Để thay đổi nhận thức ở Đài Loan hay Hàn Quốc, người ta đã phải mất tới 20 năm".
Những chương trình như Việt Nam Tái chế chỉ là viên gạch ban đầu. Mục tiêu cao nhất là phải tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho người dân, tổ chức, các cơ quan Chính phủ. Sau những chương trình thí điểm thế này, Chính phủ có thể hình dung được quy trình sẽ vận hành như thế nào, trên cơ sở đó Luật hóa việc xử lý rác thải điện tử theo cách mà các chính phủ châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản đang áp dụng...
"Rất may là chúng tôi nhận được sự ủng hộ tích cực từ Chi cục Bảo vệ Môi trường và UBND TP.Hà Nội. Hy vọng rằng sẽ có thể triển khai chương trình lâu dài, mở rộng sang nhiều điểm thu gom mới trên địa bàn trong thời gian tới", đại diện chương trình chia sẻ.
Trước câu hỏi rằng liệu Chương trình có thu được lợi nhuận từ việc bán lại các tài nguyên chiết xuất được từ rác điện tử (như như nhựa, kim loại, kính, vàng...) hay không, bà Monina nhấn mạnh: “Chi phí hoạt động của chương trình rất tốn kém, chúng tôi phải thuê địa điểm thu gom, thuê bảo vệ, thiết lập nhà máy xử lý đủ tiêu chuẩn… Trong số các loại rác điện tử thì cũng chỉ có ĐTDĐ là chứa nhiều kim loại quý, còn những thiết bị như máy in thì 90% là nhựa. Theo thống kê, muốn chiết xuất được 1kg vàng thì chúng tôi phải tái chế tới 8000 chiếc laptop. Đây là con số mà ngay cả ở những nước như Úc, chúng tôi cũng không thể thu gom đủ".
Nói cách khác, số tiền kiếm được từ việc bán các tài nguyên có thể tái chế chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí mà Chương trình bỏ ra. Cũng chính vì lý do phi lợi nhuận này nên nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại không tham gia. Tại Việt Nam, Quyết định 16 chỉ có hiệu lực chính thức từ ngày 1/7/2016 nên nhiều nhà sản xuất có thị phần lớn vẫn đứng ngoài cuộc.
“Đừng nghĩ rằng chúng tôi tìm kiếm lợi nhuận từ Chương trình này. Đây là trách nhiệm chung của cả Chính phủ, nhà sản xuất, nhà bán lẻ cũng như người dân", bà Monina nhấn mạnh.
5 địa điểm thu gom rác thải miễn phí và dài hạn tại Hà Nội hiện nay là:
- Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân, đối diện số 45 phố Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy).
- Nhà văn hóa phường Yên Hòa, số 288, đường Trung Kính (phường Yên Hòa, Cầu Giấy).
- UBND phường Quán Thánh, số 12-14 đường Phan Đình Phùng (Quán Thánh, Ba Đình).
- Bảo tàng Chiến thắng B.52, số 157 Đội Cấn (Đội Cấn, Ba Đình).
- UBND phường Thành Công, số 9 đường Thành Công (Thành Công, Ba Đình).