Hai hầm chui Trung Hòa và Thanh Xuân tháo gỡ ùn tắc giao thông tại các nút giao đã chính thức được Bộ Giao thông Vận tải thông xe vào sáng nay (8/1).
Nút giao Trung Hòa hoàn chỉnh đã được động thổ xây dựng vào ngày 18/1/2015 với thời gian thi công theo hợp đồng là 18 tháng. Kinh phí mở rộng, xây dựng hoàn chỉnh nút giao Trung Hòa lấy từ nguồn vốn dư còn lại của Dự án xây dựng giai đoạn 2-đường Vành đai 3 thành phố Hà Nội đoạn Mai Dịch-Bắc Hồ Linh Đàm với khoản vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.087 tỷ đồng, trong đó giá trị gói thầu xây lắp là hơn 717 tỷ đồng.
Phạm vi dự án nút giao Trung Hòa theo trục đường Đại lộ Thăng Long vào thành phố Hà nội từ Km3 382.03 (Đại lộ Thăng Long) đến Km1 780 (lý trình đường Trần Duy Hưng); theo đường Vành đai 3 từ Km22 905.38 đến Km23 634.16 (lý trình Vành đai 3).
Dự án đầu tư xây dựng nút giao Trung Hòa hoàn chỉnh có quy mô xây dựng 2 hầm chui thông theo 2 chiều giao thông, hướng Đại lộ Thăng Long-đường Trần Duy Hưng-Hoàng Minh Giám. Phần hầm kín và phần hầm hở phía đường Trần Duy Hưng gồm hai hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 12m, gồm 3 làn xe cơ giới rộng 3,5m/làn. Phần hầm hở phía Đại lộ Thăng Long gồm 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 16,2m.
Tổng chiều dài hầm và đường dẫn vào hầm khoảng 614,1m, chiều dài đoạn mở rộng đường gom hai bên Đại lộ Thăng Long khoảng 2.573m, chiều dài đoạn mở rộng đường Khuất Duy Tiến, đường Phạm Hùng khoảng 580m. Trong đó, chiều dài phần hầm kín bằng bê tông cốt thép 120m; chiều dài phần hầm hở bằng bê tông cốt thép dạng chữ U, L là 287m. Công trình này hoàn thành vượt tiến độ bảy tháng.
Hầm nút giao Thanh Xuân được thi công trong khu vực nút giao Thanh Xuân hiện tại, giao giữa đường vành đai 3 và đường Nguyễn Trãi có phạm vi dự án: theo đường Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6) từ Km5 160 đến Km6 140 (lý trình Quốc lộ 6); theo đường Vành đai 3 từ Km24 970 đến Km25 370 (lý trình Vành đai 3).
Phần hầm dọc đường Nguyễn Trãi thuộc nút giao Thanh Xuân, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội có điểm đầu tại Km5 160, Quốc lộ 6 và điểm cuối tại Km6 140, Quốc lộ 6. Tổng chiều dài hầm và đường dẫn vào hầm 980m. Trong đó, chiều dài phần hầm kín bằng bê tông cốt thép, chiều dài 109m.
Sau khi thi công xây dựng hầm nút giao Thanh Xuân, thiết kế tổ chức giao thông nút giao Thanh Xuân bằng đèn tín hiệu đồng thời bố trí các đảo dẫn hướng dạng đảo xếp để dẫn hướng cho các phương tiện rẽ phải trực tiếp.
Hầm nút giao Thanh Xuân là công trình có yếu tố kỹ thuật phức tạp, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông giữa trung tâm thủ đô Hà Nội. Việc thi công hầm nút giao Thanh Xuân là mảnh ghép hoàn chỉnh cho nút giao Thanh Xuân, vốn là điểm giao cắt phức tạp giữa Quốc lộ 6, đường Vành đai 3 giai đoạn 1, giai đoạn 2 và tuyến đường sắt trên cao.
Phát biểu tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là hai nút giao quan trọng, thường xuyên xảy ra ùn tắc trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong điều kiện thi công rất khó khăn nhưng công trình đã hoàn thiện trước thời hạn bảy tháng.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án Thăng Long, Cienco 4... đã nỗ lực đưa công trình được thông vào ngày hôm nay.
Để đảm bảo công trình phát huy hiệu quả, Phó Thủ tướng giao Hà Nội tiếp nhận sử dụng công trình nhằm chống ùn tắc giao thông và lâu dài.
“Công trình mới thường xảy ra tai nạn giao thông, trên địa bàn thủ đô còn nhiều công trình đang thi công nên đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trong quá trình xây dựng phải vừa đảm bảo không ùn tắc giao thông xung quanh khu vực các công trình, vừa đảm bảo an toàn lao động,” Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Ghi nhận và biểu dương các đơn vị thi công đã nỗ lực ngày đêm để đưa công trình về trước tiến độ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, thời gian qua dưới sự hỗ trợ của Bộ Giao thông Vận tải nhiều công trình đã được hoàn thành đưa vào sư dụng, cải thiện giao thông của thành phố như cầu Nhật Tân, đường dẫn Nhật Tân-Nội Bài, Vành đai 3 trên cao, cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng...
“Tuy nhiên, việc kết nối 2 cao tốc Vành đai 3 và Đại lộ Thăng Long chưa tốt, vì vậy nút Trung Hòa và Thanh Xuân sẽ tăng sự kết nối giữa các tuyến đường này. Việc hoàn thiện, đưa vào sử dụng 2 nút giao góp phần quan trọng trong việc giảm xung đột trên các tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố và tuyến đường Vành đai 3,” Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đánh giá.
Thay mặt Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cam kết Hà Nội sẽ tổ chức tốt giao thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, phát huy tốt nhất hiệu quả của 2 công trình này, góp phần cải thiện giao thông trên địa bàn thành phố, giảm ùn tắc giao thông./.