Hà Nội

Hà Nội: Thị trường lễ vật cúng Rằm tháng Giêng dồi dào, giá cả ổn định

23-02-2024 19:15 | Thị trường
google news

Thị trường dồi dào các loại thực phẩm tươi sống, trái cây, hoa tươi, lễ vật cúng Rằm tháng Giêng với giá cả đều giảm (ngoại trừ cau trầu) so với dịp Tết Nguyên đán cho dù sức tiêu thụ tăng cao.

Thị trường dồi dào các loại thực phẩm tươi sống, trái cây, hoa tươi, lễ vật cúng Rằm tháng Giêng với giá cả đều giảm (ngoại trừ cau trầu) so với dịp Tết Nguyên đán cho dù sức tiêu thụ tăng cao.

Hà Nội: Thị trường lễ vật cúng Rằm tháng Giêng dồi dào, giá cả ổn định- Ảnh 1.

Sản phẩm gà cúng tại chợ Hàng Bè nổi tiếng vì chất lượng và mẫu mã đẹp. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Thị trường các lễ vật cúng Rằm tháng Giêng tại Hà Nội diễn ra khá sôi động, lượng người mua tăng mạnh so với ngày thường. Hầu hết giá các mặt hàng thiết yếu “hạ nhiệt” so với dịp Tết Nguyên đán, không xảy ra tình trạng "chặt chém."

Theo quan niệm dân gian, cúng cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng. Đây là dịp lễ đặc biệt, Rằm tháng Giêng được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong một năm theo Âm lịch, diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán.

Ghi nhận từ sáng ngày 23/2 (tức 13 tháng Giêng), tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội như chợ Hàng Da, chợ Hàng Bè, chợ Hôm Đức Viên, chợ Kim Liên…, lượng khách mua sắm đồ cúng Rằm bắt đầu tăng cao.

Theo ghi nhận, giá một số loại thực phẩm tươi sống, hoa quả, hoa tươi giảm so với dịp Tết Nguyên đán, chẳng hạn giá thịt lợn từ 120.000-160.000 đồng/kg, thịt bò các loại từ 220.000-270.000 đồng/kg, thịt gà lông từ 120.000-140.000 đồng/kg. Riêng gà trống sống giá dao động từ 130.000-150.000 đồng/kg.

Nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng gia cầm cho biết mặc dù nhu cầu mua gà cúng Rằm tháng Giêng tăng cao nhưng giá bán đã giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với dịp trước Tết.

Không chỉ mặt hàng thực phẩm tươi sống mới ổn định giá mà mặt hàng rau, hoa quả cũng tương tự mặc dù sức tiêu thụ tăng mạnh.

Bà Nguyễn Thị Nga, tiểu thương bán hoa quả tại chợ Hàng Da cho biết giá hoa quả ngày Rằm cao hơn ngày thường, nhưng đã rẻ hơn dịp Tết nguyên đán từ 5.000-10.000 đồng/kg.

Cụ thể, một số loại quả khách mua nhiều như táo có giá từ 40.000-50.000 đồng/kg; thanh long ruột trắng từ 45.000-50.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ từ 65.000-70.000 đồng/kg, xoài Cát Chu từ 50.000-60.000 đồng/kg; cam sành từ 35.000-65.000 đồng/kg; quả phật thủ dao động từ 30.000-100.000 đồng/quả (tủy loại to nhỏ).

Giá rau xanh đã dần "giảm nhiệt," hiện cải chíp, bắp cải có giá 15.000 đồng/kg, hoa lơ xanh 10.000 đồng/cái, hoa lơ trắng 15.000 đồng/cái, rau cần 10.000 đồng/mớ, su hào 8.000-10.000 đồng/củ.

Tuy nhiên, chỉ giá cau trầu vẫn neo ở mức cao tương đương với dịp Tết Nguyên đán. Các tiểu thương cho biết cau năm nay ra hoa đậu quả sớm nên nguồn cung hạn chế, giá từ dịp Tết ông Táo đến nay cao gấp hai lần so với những năm trước.

Thời điểm này, mỗi quả cau và lá trầu có giá từ 10.000-25.000 đồng, tùy theo độ đẹp của cau.

Hoạt động mua bán tại các chợ ngày Rằm tháng Giêng sôi động không kém dịp Tết Nguyên đán, nhiều quầy hàng đông khách. Đặc biệt, mặt hàng hoa tươi dịp này tiêu thụ mạnh.

Chị Trần Thu Hằng, một tiểu thương kinh doanh hoa tươi tại chợ Hàng Buồm cho biết giá hoa tươi dịp Rằm tháng Giêng tuy có giảm so với đợt Tết Nguyên đán, nhưng không đáng kể.

Hà Nội: Thị trường lễ vật cúng Rằm tháng Giêng dồi dào, giá cả ổn định- Ảnh 2.

Chuẩn bị đủ đầy cho mâm cúng Rằm tháng Giêng là ước nguyện của người dân. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Giá hoa cúc ngày sát Tết Nguyên đán khoảng 5.000-7.000 đồng/bông thì nay chỉ 4.000-5.000 đồng/bông; hoa hồng đến nay chỉ còn 10.000-12.000 đồng/bông; hoa cau 15.000 đồng/nhánh, đều giảm so với dịp Tết…

Chị Chu Kim Anh, kinh doanh vàng mã tại chợ Chợ Mơ cho biết dịp Tết người dân thường mua rải rác từ sớm nên lượng khách không đổ dồn cùng lúc như dịp Rằm này.

Từ sáng 13/1 Âm lịch, khách bắt đầu tăng mạnh, dù cửa hàng có 3-4 người soạn lễ vẫn không làm kịp, có những thời điểm khách phải xếp hàng chờ khá lâu.

Mua đồ lễ Rằm vào chiều 13/1 âm lịch, bà Nguyền Thị Lệ, phố Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, cho biết năm nào bà cũng lo chu đáo các lễ vật cúng để dâng lên bàn thờ tổ tiên, cầu mong một năm bình an, may mắn. Do vậy giá cả ngày rằm dù có đắt hơn ngày thường thì người dân cũng không quá so đo, bởi ai cũng muốn có một mâm cúng tổ tiên thật tươm tất, đủ đầy.

Ngoài việc tự đi mua sắm, dịch vụ đặt nấu cỗ và giao tại nhà vừa ngon vừa tiện lợi được xem là giải pháp mà không ít gia đình lựa chọn trong ngày Rằm tháng Giêng.

Mâm cỗ có giá khá phải chăng, từ 1-1,8 triệu đồng/mâm, với đầy đủ các món như gà hấp lá chanh, nem rán, canh mọc nấm, xôi ngũ sắc, giò chả…

Chị Thu Hà, ở ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên cho biết dịp Rằm tháng Giêng năm nay rơi vào thứ Bảy, nhiều công nhân viên chức vẫn đi làm không có thời gian đi chợ buổi sớm để làm đồ nên khách đặt mâm cỗ cúng khá sớm, ngay từ mùng 8-10 Tết đã có khách liên hệ đặt cỗ.

Theo chị Hà lượng khách đặt cỗ thắp hương ngày rằm năm nay tăng gần 3 lần so với ngày thường, chị đã nhận đươc hơn 150 đơn hàng, giá không đổi so với năm ngoái.

Cùng với chợ truyền thống, tại các siêu thị như VinMart, BigC, Co.opmart... giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, trái cây ổn định. Đại diện nhiều hệ thống siêu thị cũng ghi nhận lượng khách tăng cao.


Hằng Trần
(TTXVN/Vietnam+)
Ý kiến của bạn