Sở GTVT vừa đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép Công ty CP Tập đoàn Trí Nam thí điểm dịch vụ xe đạp ở một số quận trong 12 tháng.
6 quận thí điểm giai đoạn 1 gồm: Ba Đình dự kiến có 340 xe, Tây Hồ 240 xe, Đống Đa 100 xe, Hoàn Kiếm 280 xe, còn lại là Thanh Xuân và Hai Bà Trưng.
Chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng với xe đạp thường, 10.000 đồng với xe đạp điện; phí thuê xe cả ngày với hai loại xe lần lượt 60.000 và 120.000 đồng.
Doanh nghiệp cũng có vé tháng, quý và năm, thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử. Người dân có thể sử dụng dịch vụ thông qua phần mềm trên smartphone: Mở khóa xe bằng quét mã QR, tìm trạm và đặt xe qua ứng dụng... Trong năm đầu tiên thí điểm, doanh nghiệp xin được miễn phí vỉa hè và thu phí dịch vụ.
Trong khi nhiều ý kiến ủng hộ việc sử dụng xe đạp công cộng để nâng cao sức khỏe và bảo vệ môi trường thì nhiều người dân "kêu" phí quá cao.
"Giá thuê 60.000 đồng/ngày với xe thường là quá đắt. Ví dụ từ ga Cát Linh đến chỗ làm từ 2 - 4km, thì đi grabbike có mã khuyến mại (2 lượt đi và về) sẽ rẻ hơn thuê xe nguyên 1 ngày. Thiết nghĩ cái này phải lấy ngân sách TP Hà Nội ra để hỗ trợ, chỉ thu phí cao với khách nước ngoài và khách du lịch", chị Lê Thanh Vân ở quận Hai Bà Trưng chia sẻ.
Trong khi đó, anh Lê Văn Hoan ở quận Hoàn Kiếm đề nghị cơ quan chức năng cần tính kỹ các phương án trước khi triển khai, thậm chí có làn riêng cho xe đạp. Bởi đường phố Hà Nội hiện nay rất đông đúc phương tiện, không phù hợp cho xe đạp, nhất là khi sang đường.
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Đinh Đăng Hải, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe của Canada tại Việt Nam cho biết: Để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp công cộng, ngoài việc chuẩn bị về phương tiện, cần chuẩn bị hạ tầng dành cho phương tiện.
"Hạ tầng cho đi bộ, đi xe đạp trong bán kính 500m của một nhà ga là rất quan trọng. Ví dụ như làn đường cho xe đạp hoặc đèn tín hiệu dành cho xe đạp hoặc các nút giao, các lối qua đường không đảm bảo an toàn và hấp dẫn, mọi người sẽ từ chối dịch vụ này và mong muốn hỗ trợ giao thông công cộng sẽ không đạt được. Các thành phố chắc chắn phải có kế hoạch về hạ tầng", ông Hải nói.
Ông Hải cho rằng, tại các nhà ga, điểm tiếp cận xe buýt, tàu điện ngầm cần có những nghiên cứu tính toán về phạm vi hoạt động của xe đạp và các thành phố cần có kế hoạch nâng cao chất lượng hạ tầng cho loại hình phương tiện này.
Theo ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, việc có dịch vụ xe đạp công cộng sẽ góp phần thay thế phương tiện cá nhân để kết nối các di chuyển ngắn giữa các khu vực dân cư, các bến xe, nhà ga tàu điện...
Hiện TP Hà Nội đang nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh dịch vụ xe đạp công cộng đồng thời tổng hợp ý kiến các sở, ban, ngành trước khi triển khai rộng rãi.
Xem thêm video được quan tâm:
Vì Sao Mùa Đông Năm Nay Đến Muộn Và Có Xu Hướng Ấm Lên?