Hà Nội: Thanh tra 80 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài

28-06-2019 06:21 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thanh tra Thành phố Hà Nội vừa công bố quyết định thanh tra đối với 80 đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn.

Theo Quyết định 2878/QĐ-TTTP, đoàn thanh tra liên ngành gồm 4 tổ công tác. Mỗi tổ công tác thực hiện thanh tra tại 20 đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thanh tra tại mỗi đơn vị từ1-2 ngày.

Các đoàn tập trung thanh tra việc chấp hành Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm Y tế  trong việc thu, trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; xác định rõ số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nguyên nhân và trách nhiệm, giải pháp khắc phục của đơn vị trong việc thực hiện trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đại diện đơn vị sử dụng lao động ký biên bản thanh tra.

Theo ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, việc các doanh nghiệp chưa đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hoặc có dấu hiệu trốn đóng, đóng không đủ số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc… ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Tính đến cuối tháng 5/2019, tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội lên tới hơn 3.430 tỷ đồng, chiếm 7,91% kế hoạch thu. Đáng chú ý, có 11.449 đơn vị nợ kéo dài từ 36 tháng

Để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, cơ quan này xác định việc giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu giảm nợ.

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp với Công an Thành phố, Liên đoàn Lao động Thành phố, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội và Cục Thuế TP. Hà Nội, Thanh tra TP Hà Nội triển khai Quy chế phối hợp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trên địa bàn Thành phố.

Dự kiến, các tổ công tác thanh tra lần này sẽ tiến hành thanh tra tại các đơn vị trong tháng 7/2019. Trường hợp các đơn vị được thanh tra tự giác chấp hành nộp đầy đủ tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Tổ trưởng tổ thanh tra sẽ lập Biên bản về việc nộp tiền khắc phục nợ và sử dụng, kê khai lao động trong quyết toán thuế thu nhập cá nhân để báo cáo Trưởng đoàn thanh tra xem xét, giải quyết có thể cho dừng thanh tra, kiểm tra tại đơn vị.

Tại Hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vừa được tổ chức vừa qua, đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết, đến hết tháng 4-2019, Hà Nội có 37.557 đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là 2.084,9 tỷ đồng, tăng hơn 1.105,1 tỷ đồng so với tháng 12-2018.

Bà Đàm Thị Hòa, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội, cho biết, nguyên nhân số tiền nợ tăng cao là do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng. Số tiền nợ ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ BHXH, BHYT đối với doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động… chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật.

Bên cạnh đó, nhận thức của người sử dụng lao động về BHXH, BHYT, BHTN còn hạn chế, chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng lao động dẫn đến quyền lợi chính đáng của người lao động không bảo đảm. Công tác đôn đốc, thanh kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN ở một số nơi chưa sâu sát…

Trong số các đơn vị nợ đọng, Công ty cổ phần Lilama 3 có số nợ lớn nhất thành phố với 33 tỷ đồng, nợ kéo dài gần sáu năm. Lý giải nguyên nhân, đại diện Công ty cổ phần Lilama 3 cho biết:“Vì là công ty xây lắp nên Công ty bị dự án nợ đọng rất nhiều, trong đó có dự án nợ đọng hơn 60 tỷ đồng, dẫn đến việc chậm đóng BHXH, BHYT. Trong số 33 tỷ đồng công ty nợ BHXH, BHYT thì có đến một nửa là lãi suất”. Từ thực tế đó, Công ty cổ phần Lilama 3 kiến nghị BHXH TP Hà Nội xem xét khoanh một phần nợ, Công ty sẽ có lộ trình để trả dần, đồng thời, xem xét phần tính lãi, bởi trong số nợ 33 tỷ đồng thì có đến hơn một nửa là tiền lãi.


Nguyễn Nhiên
Ý kiến của bạn