Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông; Công an quận, huyện, thị xã; Công an xã, phường, thị trấn tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy.
Trong đó, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông như: vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, dừng, đỗ trái phép,...
Cùng với đó, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các loại phương tiện chở quá số người quy định, các vụ đua xe trái phép, tụ tập gây rối trật tự công cộng; phối hợp bảo đảm an toàn giao thông tại bến khách ngang sông, bến tàu khách du lịch, các tuyến, luồng đường thủy, các tuyến sông và vùng nước có tổ chức lễ hội.
Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và các đơn vị kinh doanh vận tải có phương án bảo đảm năng lực vận tải, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, nhất là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy trong dịp nghỉ Tết.
Đảm bảo giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến; không để hành khách không kịp về quê ăn Tết do thiếu phương tiện; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng "xe dù", "bến cóc" và tăng giá vé trái quy định.
Đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu bảo đảm điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở do mưa lũ gây ra; rà soát bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông, thiết bị cảnh báo có phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế. Phối hợp với các cơ quan liên quan không để xảy ra ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí, cảng hàng không.
Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm trong đô thị, trả lại lòng đường phục vụ nhân dân đi lại (hoàn thành 01 tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán). Xây dựng phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông, kịp thời giải tỏa, không để phát sinh ùn tắc kéo dài khi có sự cố, tai nạn giao thông, nhất là thời điểm trước và ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên các tuyến trục chính ra vào khu vực nội đô, các tuyến kết nối đến nhà ga, sân bay, bến cảng và khu vực tổ chức Lễ hội xuân.
UBND Thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Các đơn vị chủ động có phương án tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, nhất là trên tuyến, khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trên địa bàn. Rà soát các địa điểm, khu vực có nguy cơ sạt lở cao và tăng cường cảnh báo trên các tuyến đường do địa phương quản lý.
Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn chủ động phối hợp với các đơn vị vận tải tổ chức bán vé tàu, xe trực tiếp cho công nhân, người lao động và sinh viên về quê đón Tết.
Sở Giao thông Vận tải và UBND các quận huyện, thị xã có trách nhiệm công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông, phối hợp giải quyết, khắc phục kịp thời các sự cố, tai nạn giao thông.
Tổ chức trực, phân công người có thẩm quyền tổ chức trực theo chế độ 24/7, báo cáo tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong 07 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn Thành phố tăng cường thời lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024.
Tăng cường hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn, đặc biệt là trên đường cao tốc; thường xuyên cập nhật để thông tin kịp thời về tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, các thông tin hỗ trợ hướng dẫn nhân dân đi lại trong dịp nghỉ Tết.
Chú trọng thông tin cảnh báo các khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, đường ngang qua đường sắt, đường thủy nội địa, các tuyến giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các khu vực tổ chức các sự kiện, lễ hội.
Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc men để bảo đảm khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại về người trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông.
Xem thêm video được quan tâm:
Quá trình ra đời Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) | SKĐS