Hà Nội: Sóc Sơn tiêu hủy hơn 3.000 tấn lợn bệnh, hỗ trợ 14,7 tỉ đồng cho người chăn nuôi

25-05-2019 16:03 | Thời sự
google news

SKĐS - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cho biết, kể từ khi phát hiện lần đầu tại xã Xuân Thu hồi tháng 3/2019, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 26/26 xã, thị trấn. Tổng đàn lợn bị tiêu huỷ là 44.578/122.657 con (chiếm khoảng 36% tổng đàn lợn của huyện). Khối lượng lợn bị tiêu hủy hiện đã lên tới trên 3.078 tấn.

Ngày 25/5, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cùng đoàn đã kiểm tra chốt kiểm dịch Trung Giã (xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn) - chốt kiểm dịch động vật lưu thông giữa Hà Nội và các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang...

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cho biết, kể từ khi phát hiện lần đầu tại xã Xuân Thu hồi tháng 3/2019, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 26/26 xã, thị trấn. Tổng đàn lợn bị tiêu huỷ là 44.578/122.657 con (chiếm khoảng 36% tổng đàn lợn của huyện). Khối lượng lợn bị tiêu hủy hiện đã lên tới trên 3.078 tấn.

Ngay khi dịch bệnh xảy ra, địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt các chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, Sở NN&PTNT Hà Nội, đặc biệt là đối với công tác tiêu hủy đàn lợn và hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy. Đến nay, UBND các xã đã chủ động bố trí ngân sách, hỗ trợ kịp thời theo đúng chủ trương của thành phố cho các hộ có lợn bị tiêu hủy với tổng kinh phí 14,7 tỷ đồng.

Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi vẫn phức tạp, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, do đó cần tập trung huy động mọi nguồn lực để dập dịch. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống bệnh.

Trước mắt, trong vùng đang xảy ra bệnh, cần khuyến cáo nhân dân tuyệt đối không được tái đàn hoặc nhập đàn mới; nghiêm cấm các cơ sở chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do nhiễm bệnh tái đàn khi chưa công bố hết bệnh; triển khai đúng kế hoạch, yêu cầu kỹ thuật và phát động sự hưởng ứng tích cực của người dân trong thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đợt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; hướng dẫn các hộ, gia trại, trang trại, cơ sở chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học…

Hà Nội yêu cầu tổ chức rà soát kỹ địa điểm chôn lấp, nghiêm cấm vứt lợn bị tiêu hủy không đúng quy định. Ảnh minh họa.

Cần lập vành đai chống dịch tả lợn Châu Phi

Bà Hằng cũng lưu ý huyện Sóc Sơn cần có giải pháp lập vành đai chống bệnh dịch như: Xác định các vị trí cắm chốt, cắm biên để ngăn chặn, không cho vận chuyển lợn vào khu vực thuộc địa bàn quản lý; thành lập đơn vị lưu động kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm, không cho vận chuyển lợn, bán sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc trên địa bàn; tổ chức rà soát kỹ địa điểm chôn lấp, nghiêm cấm vứt lợn bị tiêu hủy không đúng quy định.

Ngoài ra, huyện cần chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, dụng cụ lấy mẫu, dụng cụ chuyên ngành và bảo hộ lao động trong quá trình phòng, chống, tiêu hủy lợn bệnh; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác (dại, cúm gia cầm, tai xanh…) theo quy định.

Trước đó, đoàn công tác cũng đã đi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Sóc Sơn, thăm khu trồng dược liệu tại xã Bắc Sơn, thăm khu vườn bảo tồn giống trà hoa vàng pagoda - một loại dược liệu quý của Việt Nam.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị cần tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu hữu cơ chất lượng cao ở những diện tích đất khó canh tác, phấn đấu đến năm 2020 đạt 50-70ha (tại các xã vùng đồi gò và một số xã có điều kiện sản xuất cây dược liệu) nhằm bảo tồn gen và tạo sản phẩm xuất khẩu kết hợp làm điểm tham quan, học tập phát triển nông nghiệp hữu cơ - sinh thái bền vững.

Đặc biệt, huyện cần duy trì các tiêu chí, các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; tập trung chỉ đạo 5 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới để hết năm 2019, Sóc Sơn đạt chuẩn huyện nông thôn mới...


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn