Báo cáo tình hình dịch bệnh tuần từ ngày 29/4/2019 đến 05/5/2019 của Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần ghi nhận 89 trường hợp mắc sởi. Tổng cộng từ đầu năm 2019 đến nay ghi nhận 1.105 trường hợp, chưa có trường hợp tử vong. Các đơn vị có số mắc cộng dồn từ đầu năm đến nay cao như Hoàng Mai (150), Thanh Xuân (76), Nam Từ Liêm (70), Hà Đông (63), Ba Đình (55), Đống Đa (53), Thanh Trì (53).
Sốt xuất huyết Dengue, trong tuần ghi nhận 10 trường hợp. Lũy tích năm 2019 ghi nhận 214 trường hợp, chưa có trường hợp tử vong. Các đơn vị có số mắc cộng dồn từ đầu năm đến nay cao như Cầu Giấy (27), Hà Đông (25), Đống Đa (24), Hoàng Mai (18), Hai Bà Trưng (14), Nam Từ Liêm (13).
Tay chân miệng, trong tuần ghi nhận 09 trường hợp. Lũy tích năm 2019 ghi nhận 237 trường hợp, chưa có trường hợp tử vong.
Ho gà, trong tuần ghi nhận 01 trường hợp. Lũy tích năm 2019 ghi nhận 63 trường hợp, chưa có trường hợp tử vong.
Trong tuần không ghi nhận các trường hợp mắc não mô cầu, liên cầu lợn và các dịch bệnh xâm nhập nguy hiểm.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sởi trong tuần vừa qua trên địa bàn Thành phố tương đương với tuần từ ngày 22/4 đến ngày 28/4/2019 và giảm so với các tuần trước đó. Tuy nhiên số mắc còn ở mức cao và theo nhận định, dịch bệnh sẽ có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới trong bối cảnh gia tăng chung của cả nước.
Số mắc sởi ở Hà Nội vẫn ở mức cao, người dân cần tích cực phòng bệnh. Ảnh minh hoạ.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh sởi, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động trong việc vệ sinh môi trường khử khuẩn, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đồng thời đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng sởi theo quy định.
Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND Thành phố đặc biệt là dịch bệnh sởi và sốt xuất huyết.
Các đơn vị tăng cường công tác tiêm chủng phòng các bệnh có vắc xin dự phòng như sởi, ho gà, viêm não Nhật Bản, đồng thời tổ chức giám sát côn trùng và giám sát véc tơ truyền bệnh để chủ động phòng chống sốt xuất huyết (trong tuần đã giám sát tại 18 điểm nguy cơ, cộng dồn từ đầu năm đến nay đã giám sát tại 265 điểm); Kết quả giám sát cho thấy tại một số điểm của quận Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy và Hà Đông có chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy gần ngưỡng nguy cơ.
Tiến hành điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh ghi nhận trong tuần như sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà, sởi… Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp tục thực hiện tốt việc đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài để chủ động kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập.
Các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền GDSK cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là tuyên truyền để người dân tích cực đưa con em đi tiêm chủng phòng bệnh theo quy định.
Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.
2. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
3. Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh.
4. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
5. Người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần chủ động đi tiêm vắc xin sởi (vắc xin sởi, MR, MMR) tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.