Chiều ngày 8/9, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 6/9, trên toàn địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 1.537 trường hợp mắc sốt xuất huyết, đứng thứ 6 trong toàn quốc, tăng hơn 3,5 lần so với con số 439 ca mắc của năm ngoái và hiện chưa có trường hợp nào tử vong.
Hiện tại, sốt xuất huyết đã xảy ra tại 29/30 quận huyện của Hà Nội(trừ huyện Phúc Thọ), trong đó Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông là những những địa bàn mắc nhiều nhất. Tuy nhiên trên địa bàn chưa xuất hiện ổ dịch lớn, nhiều nhất là 5-10 ca.
Đáng lưu ý, số ca mắc sốt xuất huyết tăng chóng mặt, từ 359 ca trong tháng 7 đã tăng vọt lên 633 ca trong tháng 8.
Ông Hạnh nhận định, trong 4 tháng cuối năm, tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nóng bức, mưa nhiều, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
"Bình thường nếu ở nhiệt độ 26 độ, từ trứng muỗi nở thành bọ gậy mất 16 ngày, nhưng nếu nhiệt độ từ 32-35 độ C, chu trình này chỉ mất 4 ngày, sau đó thêm 2 ngày nữa bọ gậy thành muỗi trưởng thành và có thể sống suốt 30 ngày sau đó", ông Hạnh phân tích.
Vẫn còn đến trên 30% hộ dân ở Hà Nội không hợp tác với cán bộ y tế để phun hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết
Ông Hạnh cho rằng, để dập được dịch sốt xuất huyết cần có sự chung tay cả cộng đồng chứ không riêng ngành y tế. Trong khi đó, công tác phòng dịch gặp khá nhiều khó khăn, bởi mới có trên 60% hộ gia đình hợp tác với cán bộ y tế để phun hóa chất. “Hóa chất đều đã được kiểm nghiệm an toàn. Vì vậy thời gian tới, cần có chế tài xử lý đối với những hộ không hợp tác để đảm bảo phòng ngừa hiệu quả hơn”, ông Hoàng Đức Hạnh đề xuất.
Về kinh phí cho phòng chống sốt xuất huyết của Hà Nội, ông Hạnh cho biết mỗi năm thành phố dành 6-9 tỷ đồng cho công tác này. Tuy nhiên với tình hình dịch diễn tiến như năm nay, Sở Tài chính thành phố đã đồng ý cấp thêm kinh phí dự trù.
Thái Bình