Hà Nội: Siết việc vận chuyển, kinh doanh lợn không rõ nguồn gốc

08-07-2019 13:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc trên địa bàn Thành phố.

Trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc trên địa bàn Thành phố để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe của người dân.

Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Thành phố thời gian qua đã gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Từ thực tế chăn nuôi của thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và trình UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó yêu cầu các địa phương, các sở, ngành tăng cường các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc trên địa bàn Thành phố.

Dịch bệnh tả lợn châu Phi đang gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi của Hà Nội. Ảnh minh họa

Bằng những nỗ lực trên, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Trong việc thực hiện kiểm dịch vận chuyển đối với lợn và thịt lợn nhập vào thành phố tiêu thụ, qua tổng hợp là 252.039 con lợn, giảm 15,97% so với cùng kỳ năm 2018; thịt lợn 6.448.824kg, tăng 12,65% so với cùng kỳ năm 2018. Về kiểm dịch xuất ra khỏi thành phố, lợn là 88.549 con, giảm 41,76% so với cùng kỳ năm 2018; thịt lợn 4.886.841kg, tăng 50,05% so với cùng kỳ năm 2018.

Về kiểm tra vệ sinh thú y đối với thịt lợn, tại cơ sở giết mổ được quản lý là 287.687 con lợn, giảm 13,50% so với cùng kỳ năm 2018; tại các chợ 7.794.062kg, tăng 9,80% so với cùng kỳ năm 2018. Tương tự, kiểm tra tại các chốt kiểm dịch liên ngành, trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật: Lợn chưa giết mổ là 235.577 con, giảm 24,08% với cùng kỳ năm 2018; lợn đã giết mổ 176.999 con, giảm 26,89% so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cũng đã xây dựng dự thảo về việc tái cơ cấu đàn vật nuôi, phát triển chăn nuôi trong điều kiện hiện nay trên địa bàn thành phố... Đồng thời, Chi cục đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị tham mưu giúp UBND cấp huyện ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 470.000 con (chiếm gần 25% tổng đàn). Không chỉ các hộ chăn nuôi có lợn bị mắc bệnh lâm vào cảnh lao đao, mà những hộ chăn nuôi chưa có lợn mắc bệnh cũng khó khăn không kém.

Thống kê cũng cho thấy, ước tính thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn Hà Nội khoảng 1.000 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí hỗ trợ tiêu hủy, hóa chất, phòng chống dịch.

Tuy nhiên, đến nay đã có 48 xã, phường thuộc 15 quận, huyện qua 30 ngày không phát sinh dịch tả lợn châu Phi như tại phường Gia Thụy, Thượng Thanh, Phúc Đồng (quận Long Biên); Thanh Trì, Vĩnh Hưng, Định Công (quận Hoàng Mai); xã Văn Nhân, thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên)...

Để đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh dịch, thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 218 tấn hóa chất, 7.386 tấn vôi bột phục vụ việc khử trùng, tiêu độc ổ dịch, nơi nguy cơ mắc bệnh cao...

PV
Ý kiến của bạn