Đặt mục tiêu "nước uống tại vòi"
Theo thống kê, hiện 100% hộ dân ở khu vực đô thị đã được cấp nước sạch. Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 80%. Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 100% hộ dân được cung cấp đầy đủ nước sạch sinh hoạt, UBND thành phố Hà Nội đã tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư tham gia triển khai các dự án nước sạch nông thôn theo hình thức xã hội hóa.
Đến hết tháng 6 năm 2021, thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 40 dự án cấp nước, trong đó có 11 dự án phát triển nguồn, 29 dự án phát triển mạng cấp nước, dự kiến sau khi các dự án này hoàn thành sẽ nâng công suất toàn thành phố đạt khoảng 2.350.000 m3 /ngày đêm, đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp đạt tỷ lệ khoảng 94 %.
Quy hoạch cấp nước Hà Nội cũng vạch ra nhiệm vụ xây dựng các nhà máy nước mặt tập trung kết nối cấp nước liên vùng nâng tổng công suất các nhà máy nước mặt tập trung đến năm 2025 là khoảng 2.533.000 m3/ngày đêm; đến năm 2030 là khoảng 3.075.000 m3/ngày đêm; đến năm 2050 là khoảng 3.995.000 m3/ngày đêm.
Song song với đó, thành phố đang hoàn thiện và chuẩn bị áp dụng 1 tiêu chuẩn chung về cấp nước sinh hoạt, uống trực tiếp tại vòi. Đồng thời, giảm tỷ lệ thất thoát nguồn nước xuống dưới 15%.
Xử lý triệt để điểm gây ô nhiễm nguồn nước
Hà Nội hiện có 6 nhà máy xử lý nước thải đã đưa vào hoạt động, gồm: Kim Liên (công suất 3.700 m3/ngày đêm), Trúc Bạch (công suất 2.300 m3/ngày đêm), Bảy Mẫu (công suất 13.300 m3/ngày đêm), Yên Sở (công suất 200.000 m3/ngày đêm), Bắc Thăng Long - Vân Trì (42.000 m3/ngày đêm), Hồ Tây (15.000 m3/ngày đêm).
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết: "Mỗi ngày Hà Nội xả ra khoảng 900.000m3 nước thải, trong khi công suất các nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn hiện chỉ đạt 276.000m3 (khoảng 28,8%), phần còn lại được xả vào hệ thống ao hồ, kênh, mương và sông ngòi, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các sông nội đô như Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, Nhuệ".
Đối với các khu/cụm công nghiệp, theo thống kê, hiện 9/9 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã có trạm xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, theo số liệu của Sở TN&MT Hà Nội, tính đến tháng 6/2021, chỉ có 30/70 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Đặc biệt với nước thải y tế, toàn bộ các bệnh viện trên địa bàn đều đầu tư hệ xử lý chất thải lỏng. Tuy nhiên, hệ thống xử lý chất thải lỏng một số bệnh viện đã xuống cấp cần phải đầu tư nâng cấp để đáp ứng nhu cầu và công nghệ như hiện nay.
Một nguồn gây ô nhiễm đáng kể khác là từ các làng nghề. Thống kê cho thấy, Hà Nội có 1.350 làng nghề, tuy nhiên Sở TN&MT Hà Nội mới đây đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề, thì chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường. Tỷ lệ này quá nhỏ so với con số làng nghề nói trên.
Theo đánh giá, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao.
Điển hình như làng Triều Khúc, xã Tân Triểu, huyện Thanh Trì "nức tiếng" với nghề thu gom phế thải, tái chế nhựa. Hiện nay, xã có đến gần 200 cơ sở sản xuất và nguy cơ ô nhiễm cao nhất vẫn là tái chế nhựa, nhuộm hấp chỉ, xay xát nhựa phế liệu…. Không chỉ gây ô nhiễm không khí, làng nghề tái chế rác thải Triều Khúc còn khiến nhiều đoạn kênh, mương chảy trước cửa nhà dân bốc mùi hôi do tràn ngập rác thải.
Xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên có hơn 500 hộ, tổ hợp sản xuất, kinh doanh giày dép da. Cùng với sự phất triển của nghề, tình trạng vải và da vụn thải ra trong quá trình sản xuất, cùng một số hộ đốt rác thải lộ thiên làm cho tình trạng ô nhiễm không khí luôn hiện hữu, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân và gây ô nhiễm môi trường.
Trước thực trạng này, Sở TN&MT Hà Nội cho biết thành phố Hà Nội đã đưa vào hoạt động Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà, công suất 20.000 m3/ngày đêm; hoàn thành cơ bản Nhà máy Xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), công suất 8.000 m3/ngày đêm....
Ngoài ra, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thủy, Thanh Oai công suất 1.000 m3/ngày đêm giai đoạn 2021 - 2025 và nhà máy xử lý nước thai tại xã Vân Canh, Hoài Đức, công suất 4.000 m3/ngày đêm…
An toàn tại gia đình trong thời điểm dịch