Hà Nội

Hà Nội sẽ siết chặt quản lý phụ gia thực phẩm

28-05-2016 15:50 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong năm nay, Hà Nội sẽ tiến hành khảo sát trên địa bàn để nắm bắt đầy đủ thông tin về việc kinh doanh các chất phụ gia thực phẩm và sẽ tăng cường thanh tra đột xuất các cơ sở kinh doanh mặt hàng này.

(Clip do VTC14 thực hiện. Nguồn: Youtube/VTC14)

Tại buổi tọa đàm trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ thực hiện với chủ đề “Chống thực phẩm bẩn- Cuộc chiến bắt đầu đầu từ cơ sở”, 2 đại diện của Hà Nội đã chia sẻ những thông tin về công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố. Báo SK&ĐS xin lược ghi những ý kiến chia sẻ của 2 vị khách mời trong chương trình này:

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội:

Ngành y tế được giao quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh nước uống đóng bình, đóng chai. Trên cơ sở đó, trong nhiều năm Hà Nội đã tích cực triển khai và hằng năm tỉ lệ các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm cũng đã giảm. Đến thời điểm hiện nay, sơ kết 6 tháng đầu năm 2016, còn khoảng 17% cơ sở chưa đảm bảo các điều kiện về VSATTP, cần tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý. Những cơ sở này phần nhiều là những cơ sở nhỏ, diện tích chật hẹp và có những cơ sở thậm chí còn lấn chiếm vỉa hè.

Ngành y tế Hà Nội đã có Kế hoạch số 1889 ngày 26/4 về tăng cường công tác quản lý phụ gia thực phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội. Theo đó, trong năm nay sẽ khảo sát trên địa bàn để nắm bắt đầy đủ thông tin về các doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh buôn bán về chất phụ gia. Cụ thể sẽ điều tra khảo sát từng hộ, từng doanh nghiệp xem những mặt hàng kinh doanh chủ yếu là gì và xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra đột xuất để đảm bảo trên cơ sở các nguồn thông tin đảm bảo đánh giá đúng chính xác tại thời điểm thanh tra việc chấp hành của cơ sở như thế nào.

Trong thời gian qua, thực hiện quyết định 38 của Thủ tướng, Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại khu vực xã/phường. Hà Nội đã thực hiện tại 5 quận/ huyện gồm: Ba Đình, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Đông Anh và Thường Tín. Kết quả bước đầu ghi nhận các lực lượng thanh kiểm tra tại xã/ phường đã phát hiện và xử lý vi phạm quyết liệt hơn và có tính chất răn đe cao hơn, do đó các cơ sở cũng có ý thức chấp hành tốt hơn. Song song đó, các cơ sở ngoài bị xử lý vi phạm hành chính còn bị đưa lên hệ thống truyền thanh của phường/xã để thông báo. Chính những biện pháp đó áp dụng cùng với chế tài xử phạt các cơ sở sẽ có hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn những khó khăn. Thứ nhất là các cơ sở sản xuất trên địa bàn phường/xã/thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại những chợ tạm, chợ cóc, gây khó khăn cho việc thanh kiểm tra và xử lý vi phạm. Thứ hai là vẫn còn tâm lý hàng xóm, họ hàng dẫn đến hạn chế về kết quả xử lý vi phạm hành chính. Cán bộ làm công tác thanh tra tại xã/phường còn phải làm những nhiệm vụ khác cùng thời điểm nên cũng khó khăn cho hoạt động thanh tra. Đây là lần đầu triển khai ở tuyến xã/ phường nên việc tuân thủ quy trình chặt chẽ của quy trình thanh tra được ít hơn. Đến nay, qua mấy tháng triển khai thì anh em cũng đã thành thạo hơn.

Ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội:

Tại Hà Nội với mật độ lớn hơn 7 triệu dân và khoảng 10 triệu dân vãng lai, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt lợn, 3.000 tấn rau, 600 tấn thủy sản. Trong khi đó TP Hà Nội mới sản xuất được 40-60%. Việc quản lý các cơ sở này được phân cấp đến từng huyện, xã. Chúng ta cũng biết nguy cơ của khâu sản xuất ban đầu rất lớn, nếu chúng ta không có ý thức thì thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, chất cấm đi từ đây. Việc phân cấp quản lý đã tạo ra sự chuyển biến rất rõ nét, đặc biệt là ở cấp huyện, xã.

Theo phân cấp của ngành nông nghiệp, Hà Nội hiện quản lý 20.950 cơ sở, 17.500 cơ sở kinh doanh nông lâm thủy sản, trong số này có 6.250 cơ sở có đăng ký kinh doanh. Với khối lượng lớn như vậy nếu không phân cấp quản lý rõ rằng thì sẽ rất khó quản lý, nhất là với cấp cơ sở. TP đã từng bước rà soát kỹ và phân cấp quản lý theo đăng ký kinh doanh. Cấp thành phố quản lý 1.100 cơ sở, còn lại 16.500 cơ sở là cấp huyện, xã. Thông qua giám sát đối với 2 loại thức ăn là rau và thịt, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ chỗ gần 10% năm 2011 đã xuống dưới 5% năm 2015, các chất kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cũng giảm tương tự. Đến thời điểm này, Hà Nội đã xây dựng 59 chuỗi nông sản sạch, gồm 32 chuỗi động vật  và 27 chuỗi thực vật. Chúng tôi cũng đã xác nhận 8 điểm bán hàng của 6 chuỗi (3 chuỗi rau và 3 chuỗi thịt) công bố trên báo chí và được dư luận hoan nghênh. Đối với 247 cơ sở được cấp giấy chứng nhận, Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các cơ sở này ký cam kết với các cơ sở quản lý nhà nước để làm sao quản lý tốt điều kiện về ATTP. Trong 2 vấn đề mà dư luận hết sức quan tâm là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh và chất cấm, hiện Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các chi cục thú y, chi cục bảo vệ thực vật, chi cục quản lý chất lượng ký cam kết với tất cả các hộ chăn nuôi trang trại cũng như các cơ sở bán thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn để làm thế nào hạn chế thuốc ngoài danh mục, thuốc không đảm bảo chất lượng cũng như chất cấm.

Từ năm 2011, Hà Nội cũng đã được Bộ NN&PTNT trang bị xe chuyên dụng, quá trình sử dụng thấy rất hiệu quả, giải quyết kịp thời việc kiểm tra nhanh ngay tại cơ sở, để người quản lý có những chỉ đạo ngay tức thời. Do đó, chúng tôi cũng đã có đề xuất với UBND TP và tại hội nghị trực tuyến toàn quốc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo đồng ý giao cho TP Hà Nội xây dựng kế hoạch mua xe chuyên dụng, TP cũng đã giao Sở NN&PTNT. Hiện Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã hoàn tất các thủ tục và đang xin ý kiến thẩm định của Sở Kế hoạch, Sở Tài chính để trình UBND TP quyết định.


Minh Trí
Ý kiến của bạn