Bến xe trong nội đô thành bãi đỗ xe thông minh
Tại Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND thành phố thông qua nêu chi tiết về phương án phát triển mạng lưới giao thông thực hiện theo Quy hoạch tổng thể quốc gia và các Quy hoạch ngành.
Đối với quy hoạch đường bộ: Hà Nội sẽ hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc, gồm: 8 tuyến cao tốc hướng tâm, 3 tuyến cao tốc vành đai của thành phố; 2 tuyến cao tốc đô thị; ưu tiên nâng cấp mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ. Từng bước nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ trong phạm vi vành đai 4 đạt tiêu chuẩn đường đô thị. Xây dựng, hoàn thiện 11 tuyến quốc lộ trên địa bàn, nâng cấp các đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị theo quy mô đường đô thị.
Hà Nội cũng sẽ xây dựng, nâng cấp, cải tạo đồng bộ, hiện đại hóa 39 tuyến đường tỉnh hiện có, xây mới 7 tuyến đường tỉnh, hệ thống đường liên huyện, đường huyện đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Phát triển các tuyến trục chính đô thị, trục cảnh quan đô thị và trục phát triển KT-XH.
Xây dựng các nút giao thông khác mức tại các giao cắt của hệ thống đường vành đai, đường trục chính đô thị. Hoàn thiện hệ thống cầu vượt sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, nghiên cứu phương án kết hợp hệ thống cầu đường sắt và cầu đường bộ vượt sông…
Đặc biệt, Hà Nội cũng sẽ từng bước chuyển đổi các bến xe trong khu vực vành đai thành bãi đỗ xe hiện đại, thông minh, tiết kiệm quỹ đất; đầu tư hệ thống bến xe liên tỉnh mới phù hợp với quá trình mở rộng và phát triển của đô thị...
Xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị
Tại Quy hoạch trên, Hà Nội sẽ phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khu vực đô thị để đáp ứng 50-60% nhu cầu của người dân. Thực hiện nâng cấp, chuyển đổi xanh, thông minh đối với các tuyến xe buýt hiện có, mở thêm các tuyến mới, đặc biệt các tuyến liên kết vùng.
Quy hoạch các điểm kết nối các phương tiện công cộng: đường sắt đô thị, xe buýt, xe cá nhân công cộng (xe máy, xe đạp). Bố trí quỹ đất tại các khu vực phù hợp để xây dựng các điểm gửi xe máy cá nhân, các trạm xe đạp công cộng phục vụ giao thông công cộng.
Thực hiện lộ trình chuyển đổi giao thông xanh, thông minh; trong đó ưu tiên đầu tư giao thông xanh trong vận tải hành khách công cộng, thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe máy cá nhân sang xe máy điện, xe máy sử dụng năng lượng xanh. Xây dựng và triển khai tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải các phương tiện giao thông đáp ứng yêu cầu về giao thông xanh.
Đối với đường sắt: Hà Nội đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị. Ưu tiên hoàn thành hệ thống đường sắt vành đai thành phố và các ga đầu mối trên tuyến vành đai, các tuyến kết nối với thành phố phía Bắc, thành phố phía Tây, khu vực Yên Viên, Gia Lâm.
Xây dựng mạng lưới đường sắt tại khu vực đô thị trung tâm đảm bảo mật độ các ga tàu có khoảng cách phù hợp dành cho người đi bộ, có thể di chuyển đến mọi vị trí trong thành phố, đủ năng lực thay thế phương tiện giao thông cá nhân. Các trung tâm đô thị trong vùng và các huyện ngoại thành, đi ngầm đối với các đoạn tuyến nằm trong Vành đai 3,5, kết hợp điều chỉnh, bổ sung các tuyến xe buýt kết nối đồng bộ, làm cơ sở phát triển mô hình đô thị TOD.
Đặc biệt, Hà Nội xây dựng đường sắt nhẹ (monorail) trên cao, chạy ven 2 bờ sông Hồng, kết hợp du lịch, cảnh quan và kết nối với khu vực phố cổ. Chuẩn bị các điều kiện để phối hợp với Trung ương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đóng vai trò là trục "xương sống".