Thông tin tại lễ mít tinh nhân kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11/7) của Sở Y tế TP Hà Nội, TS Ngô Mạnh Quân- Phụ trách Phòng Truyền thông giáo dục sức khoẻ, Viện Huyết học - Truyền máu TW cho hay dân số, và vấn đế đảm bảo chất lượng dân số, giống nòi là vấn đề quá lớn đối với toàn xã hội, trong khi, chúng ta đang phải đối mặt với hàng loạt những nguy cơ, thách thức rất lớn như vấn đề môi trường, dịch bệnh, các bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm...
“Trong đó, một vấn đề đang được quan tâm, đó là nguy cơ, hậu quả cũng như những nỗ lực trong việc giảm thiểu tác động của căn bệnh thalassemia (thường gọi là Tan máu bẩm sinh)”- TS Ngô Mạnh Quân nói.
Theo phân tích về tác động của bệnh thalassemia tới chất lượng dân số, TS Ngô Mạnh Quân cho biết, 7% dân số thế giới mang gen và bị bệnh, trong khi, đây là bệnh di truyền gen lặn, mầm bệnh – gen bệnh, nằm ngay trong những người khỏe mạnh trong cộng đồng với nhiều mức độ: mang gen, thể nhẹ, thể nặng và rất nặng.
Đối với bệnh này, phòng bệnh, trước mắt là phòng không sinh ra trẻ bị bệnh thể nặng. “Trong cộng đồng, phần đông là người mang gen, bị bệnh thể nhẹ, hoặc trung bình. Họ không cần đi viện nhưng thường có lượng huyết sắc tố thấp hơn người bình thường và có thể ảnh hưởng tới phát triển thể chất, sinh hoạt, lao động. Đối với người bệnh thể nặng là gánh nặng kinh tế với gia đình và xã hội”- TS Quân nhấn mạnh.
Do đó, biện pháp phòng bệnh là hạn chế và không sinh ra trẻ bị bệnh thể nặng và hạn chế truyền gen bệnh. Cách hiệu quả là truyền thông, giáo dục sức khỏe và tư vấn về sàng lọc trước kết hôn cho thanh nhiên, vị thành niên để tìm ra người có nguy cơ mang gen để quản lý; Và tư vấn chẩn đoán trước sinh.
Lấy máu xét nghiệm sàng lọc bệnh cho các em học sinh của Trường THPT Chương Mỹ A (Hà Nội) Ảnh: SYT HN
Về phía Chi cục Dân số- Kế hoạch hoá gia đình TP Hà Nội, TS Ngô Mạnh Quân cho biết, năm 2018, Chi cục đã phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thực hiện hoạt động sàng lọc bệnh Thalassmia tại Hà Nội thông qua việc lấy máu xét nghiệm và sàng lọc bệnh Thalassemia cho học sinh tại các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai.
Qua sàng lọc 7.412 học sinh tại 8 trường phổ thông trung học cho thấy có 11% học sinh có khả năng mang gen Alpha Thalassemia, tỷ lệ này khác nhau giữa các huyện. Như vậy, ước tính cứ 10 học sinh, có 1 em mang gen Alpha Thalassemia.
“Đây là tỷ lệ không hề thấp, chúng tôi hy vọng sẽ được thực hiện trên phạm vi và số mẫu lớn hơn, để ước tính được nguy cơ sinh ra các trẻ bị bệnh thể nặng, hoặc đề phòng những trường hợp bị phù thai do trẻ mang những đột biến nặng…”- TS Ngô Mạnh Quân nói
TS Quân cũng thông tin, vừa qua, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương và Trung tâm y tế Quận Hoàn Kiếm đã triển khai điểm hiến máu cố định trên địa bàn quận; bước đầu có những kết quả tích cực. Thời gian tới, Viện và Trung tâm y tế Quận sẽ bàn bạc, để thúc đẩy chương trình tư vấn, sàng lọc bệnh Thalassemia cho người dân trên địa bàn với những ưu đãi rất thiết thực, với mong muốn, bạn trẻ trước khi kết hôn, sẽ khẳng định mình có hay không nguy cơ mang gen bệnh. Đây cũng là một trong những biện pháp hướng tới hôn nhân bền vững.
Trong khi nước ta chưa có chương trình cấp quốc gia về phòng bệnh tan máu bẩm sinh, thì những nỗ lực như trên là rất có giá trị, góp phần từng bước quản lý nguồn gen bệnh và phòng bệnh hiệu quả
Bệnh tan máu bẩm sinh hay gọi là Thalassemia, là bệnh thiếu máu do tan máu, bệnh kéo dài suốt đời, thuộc nhóm bệnh bẩm sinh – di truyền. Bệnh có các biểu hiện nổi bật đó là thiếu máu, xạm da, chậm phát triển.
Nếu người bệnh không được điều trị sớm, đầy đủ sẽ xuất hiện nhiều biến chứng do thiếu máu gây ra, làm thay đổi diện mạo người bệnh như thể trạng thấp bé, trán dô, mũi tẹt, hàm răng hô, suy tim, suy gan, suy nội tiết. Người bị bệnh 100% sẽ di truyền bệnh cho thế hệ sau.