Những ngày này, không khí Hà Nội trở nên đặc biệt hơn thường lệ. Các tuyến phố trung tâm như Quán Sứ, Lý Thường Kiệt, Hàng Bài... được trang hoàng rực rỡ bởi cờ Phật giáo, cờ Tổ quốc dịp đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025.
Năm nay, xá lợi Đức Phật - biểu tượng tâm linh thiêng liêng lần đầu tiên được rước qua các tuyến phố chính của Hà Nội trước khi an vị tại chùa Quán Sứ. Sự kiện trọng đại này thu hút sự chú ý của đông đảo tăng ni, Phật tử và người dân Thủ đô.
Cụ thể, xá lợi Đức Phật cung thỉnh từ Ấn Độ sang Việt Nam nhân đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 sẽ được tôn trí tại 4 ngôi chùa nổi tiếng từ Nam ra Bắc.
15h chiều 13/5, xá lợi được rước từ sân bay Nội Bài, đi qua các tuyến đường như Võ Chí Công, Đào Tấn, Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Trần Bình Trọng đến Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô trước khi về tôn trí tại chùa Quán Sứ.

Hình ảnh cờ Phật giáo xen kẽ cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió tạo nên không gian vừa trang nghiêm,ấm cúng, mang đậm tinh thần kính ngưỡng trong mùa Đại lễ Vesak 2025.

Để chào đón hành trình rước xá lợi Phật về chùa Quán Sứ nhân dịp Đại lễ Phật đản Vesak, nhiều tuyến phố tại Hà Nội như khoác lên mình tấm áo mới rực rỡ, thành kính và trang nghiêm.

Sáng 12/5/2025 (15/4 năm Ất Tỵ), tại Trụ sở Trung ương Giáo hội - chùa Quán Sứ, Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Phật đản phật lịch 2569 - Dương lịch 2025.

Phật tử thực hiện nghi lễ tắm Phật truyền thống.

Nhiều người đã có mặt từ sớm, mang theo hương hoa, cờ lễ và niềm hân hoan đón chờ giây phút linh thiêng.

Một cụ bà ở phố Quán Sứ xúc động cho biết: “Tôi đã sống ở đây mấy chục năm, nghe tin dịp lễ Phật đản năm nay có rước xá lợi Đức Phật về chùa Quán Sứ, tôi mừng đến mất ngủ mấy đêm nay”.

Những hình ảnh PV ghi nhận sáng 12/5, một số tuyến phố được khoác lên mình sắc màu rực rỡ bởi cờ Phật giáo, cờ Tổ quốc.

Mỗi dịp lễ Phật đản, không chỉ có Phật tử mà còn nhiều người dân đến với tâm thế trân trọng nét đẹp văn hóa truyền thống.

Hình ảnh Hà Nội rợp cờ hoa trong ngày Phật đản.


Đây không chỉ là một sự kiện tâm linh, mà còn là dịp để Thủ đô thể hiện tinh thần hiếu hòa, lòng thành kính và sự tôn trọng đối với di sản văn hóa – tâm linh lâu đời.