Hà Nội

Hà Nội: Ráo riết bảo vệ môi trường trước dịch tả lợn châu Phi

16-05-2019 14:05 | Thời sự
google news

SKĐS - Để đảm bảo vấn đề môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị tăng cường kiểm soát môi trường, công tác tiêu độc khử trùng, thu gom xử lý chất thải tại các khu vực chăn nuôi, giết mổ trên địa bàn quản lý.

Trước tình trạng dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, số lượng lợn tiêu hủy nhiều dễ gây ảnh hưởng đến môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa có công văn đề nghị sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường bảo vệ môi trường trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Để đảm bảo vấn đề môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm soát môi trường, công tác tiêu độc khử trùng, thu gom xử lý chất thải tại các khu vực chăn nuôi, giết mổ trên địa bàn quản lý.

Bên cạnh đó, tổ chức hướng dẫn về bảo vệ môi trường đối với việc chôn lấp, tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả châu Phi theo quy định. Huy động mọi nguồn lực (nhân lực, thiết bị, phương tiện, kinh phí...) cho việc giám sát, xử lý ô nhiễm môi trường và sẵn sàng ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Gần 8000 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi

Hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên gần 8000 hộ chăn nuôi, chiếm gần 10% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội. Theo Chi cục Thú y và chăn nuôi, thời gian xét nghiệm dịch tả lợn mất từ 2-3 ngày mới có kết quả khiến việc phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh lây lan không hiệu quả.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã tiêu hủy 10 vạn con, giá 38.000đ/kg, tiêu tốn hơn 200 tỷ. Tỷ lệ tiêu hủy đang được duy trì thấp, mới xấp xỉ 5% tổng đàn.

Dịch tả lợn Châu Phi hoành hành khiến nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng. Ảnh minh họa.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc phòng chống dịch còn gặp rất nhiều khó khăn do thành phố Hà Nội có tổng đàn lợn đứng tốp đầu cả nước nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong dân còn chiếm tỷ lệ cao. Nhu cầu sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật của người dân Thủ đô cao trong khi thành phố mới tự cung tự cấp được 60%, số còn lại phải nhập ngoại tỉnh hoặc nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc sử dụng thức ăn tận dụng, dư thừa từ nhà hàng, bếp ăn tập thể, khách sạn còn phổ biến.

Theo dự báo, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi còn nhiều diễn biến phức tạp, kéo dài. Vì vậy, ngành Thú y và chăn nuôi Hà Nội mong muốn nhà nước cần có chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức, triển khai phòng chống dịch bệnh; kiểm soát kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn và sản phẩm của lợn phù hợp thực tế. Phát động phong trào hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn khỏe mạnh của nhân dân, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không “quay lưng lại” với thịt lợn, tiếp tục tiêu thụ, sử dụng thịt lợn an toàn để tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Phối hợp với các tổ chức trong, ngoài nước và nhà khoa học đánh giá trực trạng diễn biến dịch bệnh, nguy cơ và mức độ ô nhiễm khi tiêu hủy số lượng lớn lợn bệnh để hướng dẫn địa phương các giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp hiệu quả hơn; đặc biệt là việc xử lý, tiêu hủy lợn mắc bệnh đảm bảo ngăn chặn được virus phát sinh, phát tán không gây ô nhiễm môi trường sinh thái.

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, hiện vẫn có một số tỉnh chậm công bố dịch, tiêu huỷ lợn chết chưa kịp thời trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện.

Đáng lưu ý, khi các đoàn kiểm tra lên kiểm tra Bắc Giang, tại điểm giáp ranh giữa huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) và huyện Phú Bình (Thái Nguyên), xác lợn chết trôi từ kênh mương trên địa bàn Thái Nguyên về phía Bắc Giang rất lớn. Điều đó cho thấy, các địa phương chưa thực sự chống dịch hiệu quả.

Bên cạnh đó, công tác tiêu huỷ lợn bệnh ở nhiều nơi chưa đúng quy trình kỹ thuật do Bộ NN-PTNT hướng dẫn, chưa bố trí kinh phí xứng tầm cho công tác phòng, chống dịch; chế độ, chính sách cho người tham gia phòng, chống, tiêu huỷ lợn còn thấp, chưa sát với thực tế. Người tiêu huỷ dịch không được trang bị trang phục, phương tiện vận chuyển, dụng cụ phun thuốc tiêu độc khử trùng chuyên dụng, dẫn đến để lây lan mầm bệnh. Bên cạnh đó, công tác chi trả hỗ trợ lợn chết buộc phải tiêu huỷ rất chậm.

D.Hải
Ý kiến của bạn