Mùa mưa bão đang đến gần, nỗi lo về tình trạng cây xanh gãy, đổ, gây mất an toàn khiến không ít người bất an. Để bảo đảm an toàn, giảm nguy cơ gãy đổ, các ngành chức năng đang khẩn trương chỉ đạo, tổ chức cắt tỉa cây xanh trên địa bàn thành phố trước mùa mưa bão. Hiện Sở Xây dựng Hà Nội đang quản lý hơn 235.000 cây bóng mát đô thị có đường kính lớn (hơn 20cm).
Theo các chuyên gia, trong mùa mưa bão, cây xanh bị gãy, đổ thường là cây bị sâu mục gốc, thân, cành; cây nặng tán lâu năm không được cắt sửa... Đặc biệt, nhiều trường hợp khó phát hiện bằng cảm quan, như cây bị xâm hại, chặt rễ hay nơi mực nước ngầm thấp, không gian sống của rễ hạn chế, rễ cây không phát triển được... Điều đó lý giải vì sao có những cây nhìn bề ngoài xanh tốt mà vẫn bị đổ dù không có gió lớn.
Những tai nạn đáng tiếc xảy ra trong mưa bão. Ảnh minh họa
Để giảm nỗi lo cây đổ, cành gãy và giảm thiệt hại cho hệ thống cây xanh trong mùa mưa, bão, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn cho nhân dân, hằng năm thành phố đều có kế hoạch cắt, tỉa hệ thống cây xanh.
Đến nay, đã có khoảng 67.600 cây ở 435 tuyến đường, phố của Hà Nội được cắt tỉa trong năm 2019; trong đó, có khoảng 30.160 cây nặng tán.
Chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão
Mới đây, Sở Xây dựng vừa ban hành Công văn số 6315/SXD-HT về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở, công trình xây dựng và đảm bảo giao thông mùa mưa bão năm 2019 trên địa bàn Thành phố.
Để công tác phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở, công trình xây dựng và đảm bảo giao thông mùa mưa bão năm 2019, Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai theo phương án đã ban hành, cụ thể: Các Công ty TNHH một thành viên (MTV) như Công viên cây xanh Hà Nội, Vườn thú Hà Nội, Công viên thống nhất và các đơn vị liên quan cần khẩn trương rà soát, tăng cường chằng chống hệ thống cây mới trồng hạn chế gãy đổ; kiểm tra thực hiện cắt tỉa gọn tán, hạ thấp độ cao đối với cây nặng tán đảm bảo an toàn trong mưa bão. Chuẩn bị thiết bị, nhân lực, hậu cần tổ chức ứng trực, kịp thời giải tỏa cây, cành cây gãy đổ không để xảy ra ùn tắc giao thông.
Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị cần đảm bảo an toàn chiếu sáng đô thị, kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố (nếu có); chuẩn bị máy móc thiết bị, nhân lực, hậu cần..., triển khai ứng trực theo quy định. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tăng cường kiểm soát, có giải pháp tiêu thoát nước hạn chế úng ngập tại các điểm đen về úng ngập khi mưa lớn, đặc biệt tại các hầm chui Đại lộ Thăng Long, các tuyến Tỉnh lộ, Quốc lộ dễ gây ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Chuẩn bị tập kết máy móc thiết bị, nhân lực, hậu cần,... triển khai ứng trực, xử lý sự cố. Tăng cường duy trì hệ thống cống, rãnh, ga thu nước mặt,... tăng cường khả năng tiêu thoát nước, giảm thời gian, chiều sâu úng ngập.
Các đơn vị như Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội; Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội; Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở; Thanh tra Sở Xây dựng; Chi cục Giám định xây dựng cần kiểm tra, rà soát kịp thời phát hiện các khiếm khuyết, hư hỏng của công trình để có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời đảm bảo an toàn cho công trình; có biện pháp chống ngập tầng hầm, kiểm tra, rà soát tình trạng hoạt động của các thiết bị, máy móc đảm bảo bơm tiêu phòng chống úng ngập và an toàn phòng cháy chữa cháy trong tầng hầm.
Đối với các công trình đang thi công: Rà soát, đảm bảo an toàn hệ thống cần trục tháp, gia cố các thiết bị như giàn giáo thi công, máy vận thăng... đảm bảo ổn định, liên kết chắc chắn với kết cấu công trình.
UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây, chỉ đạo triển khai ứng phó đảm bảo có hiệu quả theo phương châm "3 sẵn sàng, 4 tại chỗ, 5 không". Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thiết bị và hậu cần tại chỗ để chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống lụt bão, thiên tai không để xảy ra các tình huống bất ngờ, bị động nhằm ứng phó có hiệu quả với mọi diễn biến của thiên tai.
Chủ động rà soát, chỉ đạo, có giải pháp ứng phó đảm bảo tuyệt đối an toàn đối với các chung cư cũ, xuống cấp gây nguy hiểm, nhà dân dột nát, nguy hiểm; chằng chống gia cố các công trình, nhà ở, cơ sở sản xuất, cần cẩu, cần trục, biển quảng cáo, trạm thu phát sóng đảm bảo an toàn. Trường hợp cần thiết phải chủ động thông báo di dời nhân dân ra khỏi các công trình nguy hiểm đảm an toàn trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai giông, bão...