Hà Nội quyết loạt chính sách hỗ trợ bằng tiền cho các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini

22-09-2023 14:31 | Thời sự

SKĐS - Tại Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP. Hà Nội sáng 22/9, 100% đại biểu có mặt tán thành thông qua Nghị quyết hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do vụ cháy chung cư mini số 37, ngách 29/70 Khương Hạ (quận Thanh Xuân).

Tại Nghị quyết này, HĐND Hà Nội quyết định 7 nội dung cụ thể:

Về cấp cứu người và điều trị tại cơ sở y tế: Mức hỗ trợ 30 triệu đồng/người (bao gồm 4,4 triệu đồng kinh phí hỗ trợ theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ; 3 triệu đồng từ nguồn ngân sách quận Thanh Xuân và 22,6 triệu đồng từ thành phố). Trường hợp người phải cấp cứu và điều trị tại cơ sở y tế tử vong trong quá trình cấp cứu và điều trị thì được hỗ trợ thêm cho đại diện thân nhân người tử vong 20 triệu đồng/người từ ngân sách quận Thanh Xuân.

Hỗ trợ tiền tạm cư đối với hộ gia đình, cá nhân cư trú: Đối tượng hộ gia đình được hỗ trợ tạm cư là 6 triệu đồng/tháng/hộ gia đình, thời gian hỗ trợ 6 tháng. Cá nhân ở ghép trong cùng một căn hộ hoặc hộ gia đình có 1 người là 1,5 triệu đồng/tháng/người; thời gian hỗ trợ 6 tháng. Nguồn kinh phí từ ngân sách quận Thanh Xuân, hình thức hỗ trợ 1 lần bằng tiền mặt.

Hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho học sinh, sinh viên, đối tượng là học sinh, sinh viên cư trú chung cư xảy ra cháy là: 15 triệu đồng/học sinh, sinh viên, nguồn kinh phí từ ngân sách quận Thanh Xuân, hình thức hỗ trợ 1 lần bằng tiền mặt.

Hỗ trợ tiền chăm sóc trẻ em mồ côi có cha (mẹ) hoặc cả cha và mẹ tử vong tại thời điểm xảy ra vụ cháy hoặc trong thời gian cấp cứu và điều trị. Đối tượng là trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, mức hỗ trợ 100 triệu đồng/trẻ; trẻ em mồ côi cha (hoặc mẹ), mức hỗ trợ 70 triệu đồng/trẻ.

Hà Nội quyết loạt hỗ trợ bằng tiền cho các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng nỗ lực cứu người trong vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ.

Hỗ trợ đại diện thân nhân người tử vong, kinh phí hỗ trợ này không bảo gồm kinh phí trợ cấp xã hội hằng tháng đối với trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (nếu trẻ thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội). Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố, hình thức hỗ trợ 1 lần bằng tiền mặt cho người chăm sóc trẻ.

Với đối tượng là đại diện thân nhân người tử vong, mức hỗ trợ 50 triệu đồng/người tử vong (bao gồm 22 triệu đồng kinh phí hỗ trợ theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ; 5 triệu đồng từ nguồn ngân sách quận Thanh Xuân và 23 triệu đồng từ nguồn ngân sách thành phố). Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố và ngân sách quận Thanh Xuân, hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt.

Hỗ trợ tang lễ, hỏa táng người tử vong tại vụ cháy hoặc trong thời gian cấp cứu và điều trị. Đối tượng hỗ trợ là người tử vong trong vụ cháy hoặc tử vong trong thời gian cấp cứu và điều trị tại cơ sở y tế, được ngân sách thành phố hỗ trợ tang lễ, hỏa táng.

Trong đó, hỗ trợ chi phí hỏa táng, mức 3 triệu đồng/trường hợp; hỗ trợ chi phí vận chuyển thi hài, tro cốt thì thanh toán theo thực tế; hỗ trợ áo quan hỏa táng 1,25 triệu đồng/trường hợp; túi đồ khâm liệm (nếu có) là 500 nghìn đồng/trường hợp; bình đựng tro cốt 250 nghìn đồng/trường hợp; lưu giữ bình tro 15 nghìn đồng/trường hợp/ngày (theo số ngày lưu giữ thực tế, tối đa không quá 365 ngày).

Hỗ trợ khâm liệm thi hài (áp dụng với trường hợp không tổ chức tang lễ chỉ khâm liệm thi hài rồi đưa đi hỏa táng) là 1,5 triệu đồng/trường hợp; gửi thi hài tại nhà lạnh trên địa bàn TP. Hà Nội là 18 nghìn đồng/trường hợp/giờ (theo số giờ lưu giữ thực tế, nhưng không quá 720 giờ); tổ chức tang lễ tại Nhà tang lễ trên địa bàn TP. Hà Nội 3,5 triệu đồng/trường hợp.

Kinh phí hỗ trợ hỏa táng này đã bao gồm kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội quy định chính sách hỗ trợ sử dụng hình thức hỏa táng của TP. Hà Nội. Nguồn kinh phí từ ngân sách thành phố. Hình thức hỗ trợ được chi trả cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Cũng trong sáng 22/9, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua nghị quyết về các biện pháp tăng cường công tác PCCC&CNCH.

Trong Nghị quyết này, HĐND TP. Hà Nội đánh giá kỹ về kết quả, đặc biệt là những hạn chế trong công tác PCCC trên địa bàn, đồng thời đề ra 9 nhóm biện pháp chủ yếu, trong đó có những biện pháp ngay trước mắt cũng như thời gian tiếp theo để đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ trên địa bàn.

Hôm nay, HĐND TP. Hà Nội xem xét quyết nghị các biện pháp tăng cường PCCCHôm nay, HĐND TP. Hà Nội xem xét quyết nghị các biện pháp tăng cường PCCC

SKĐS - Sáng 22/9, HĐND TP. Hà Nội khai mạc Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét một số nội dung quan trọng. Trong đó, sẽ xem xét quyết nghị về các biện pháp tăng cường công tác PCCC.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn