Thực hiện dinh dưỡng hợp lý với từng nhóm đối tượng, khu vực nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân TP. Hà Nội... là nội dung trong Kế hoạch số 266/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030.
Trong đó, thành phố phấn đấu: Tỷ lệ trẻ từ 6 đến 23 tháng có chế độ ăn đúng, đủ đạt 78% vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030; Tỷ lệ người trưởng thành tiêu thụ đủ số lượng rau quả hằng ngày đạt 65% vào năm 2025 và đạt 70% vào năm 2030; Từ năm 2025 không còn hộ gia đình thiếu an ninh thực phẩm ở mức độ nặng và vừa.
Về tỷ lệ các trường học có tổ chức bữa ăn học đường, thành phố đặt mục tiêu xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm đạt 70% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030.
Đáng chú ý, đến năm 2025, 90% bệnh viện trong và ngoài công lập của TP. Hà Nội tổ chức thực hiện các hoạt động khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý của người bệnh, tỷ lệ này đạt 100% vào năm 2030.
Thành phố cũng phấn đấu, tỷ lệ xã có triển khai tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, bà mẹ có con nhỏ dưới 2 tuổi trong gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe do trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện đạt 80% vào năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030.
Theo đánh giá, TP. Hà Nội đã đạt và vượt mức tất cả chỉ tiêu theo Chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, hiện tại, thành phố đang phải đối diện với một số vấn đề của dinh dưỡng, đó là tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng và khác biệt giữa nội thành và ngoại thành.
Đặc biệt là lứa tuổi học đường, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 18,6% năm 2017 lên 22,7% năm 2021 (nội thành 28,8%, ngoại thành 19,9%), trong đó tỷ lệ học sinh tiểu học bị thừa cân, béo phì cao và tăng nhanh từ 30% năm 2017 lên 37,8% năm 2021. Ở lứa tuổi trưởng thành, tỷ lệ thừa cân, béo phì cũng tăng từ 14,1% năm 2016 lên 19,2% năm 2021.
Bên cạnh đó, kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý theo vòng đời của người dân còn hạn chế. Phần lớn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thiếu kiến thức và thực hành về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày vàng (chỉ có 7,2% bà mẹ hiểu đúng khái niệm 1.000 ngày đầu đời; đáng chú ý có đến 88,3% bà mẹ không biết 1.000 ngày đầu đời là gì; tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời chỉ có 43,9%).
Hoạt động thể lực đạt ở mức khuyến cáo của người trưởng thành năm 2021 cũng chỉ đạt 38,3%, mức tiêu thụ muối trung bình của người dân còn cao tới 9 gram/ngày (năm 2016). Đây đang là những yếu tố nguy cơ gây bệnh mạn tính không lây có liên quan tới dinh dưỡng.
Như vậy, Hà Nội đang phải đối mặt với gánh nặng "kép" về dinh dưỡng, đó là tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi còn khá cao (11,8%) và tình trạng thừa cân, béo phì ở cả trẻ em và người trưởng thành đang gia tăng một cách nhanh chóng. Những vấn đề này cần phải được can thiệp đa dạng, đa chiều, đa ngành, đồng bộ và liên tục trong thời gian tới để giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân TP. Hà Nội.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Một số bài thuốc dân gian đơn giản hỗ trợ điều trị đau dạ dày.