Theo đó, theo đề nghị của đoàn chuyên gia Nhật Bản và Công ty Cổ phần đầu tư môi trường Nhật Việt (gọi tắt là JVE) xin thử nghiệm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-Bioreactor, Thành phố đã giao các sở, đơn vị liên quan làm việc và chấp thuận cho đơn vị tổ chức thử nghiệm.
Trong đó, có lưu ý các nội dung đặc thù sông Tô Lịch có dòng chảy liên tục, là chủ lưu thoát nước chính của Thành phố khi có mưa và xả nước điều tiết Hồ Tây khi có nguy cơ úng ngập.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, ngày 9/7/2019, qua công tác dự báo thời tiết, trong thời gian từ 3-5 ngày sau sẽ xuất hiện mưa cường độ từ 40-50mm, trong khi đó, hiện trạng mực nước hồ Tây là 5,96m, đang vượt 0,26-0,36m so với mực nước khống chế.
UBND TP. Hà Nội cho rằng, việc xả nước hồ Tây ra sông Tô Lịch không ảnh hưởng đến việc thử nghiệm bằng công nghệ Nano-Bioreactor. Ảnh minh họa.
Do vậy, để đảm bảo khả năng điều hòa, sáng 9/7/2019, cán bộ Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã liên lạc với cán bộ phụ trách kỹ thuật của JVE về việc xả nước, điều tiết mực nước hồ Tây. Ngày 12/7/2019, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã thực hiện việc xả nước theo đúng quy trình.
Thực tế, chiều tối ngày 15/7/2019, trên địa bàn TP.Hà Nội xảy ra trận mưa lớn, tại các quận như Tây Hồ là 55mm, Ba Đình 49mm, Đống Đa 56mm, Hoàng Mai 72mm... Do đảm bảo khả năng điều hòa nên lưu vực hồ Tây không xảy ra úng ngập sau trận mưa này.
Tại buổi làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội, ngày 22/7/2019, phía JVE khẳng định việc xả nước không ảnh hưởng đến công tác thử nghiệm. Tuy nhiên, có kiến nghị được thông báo sớm hơn về thời điểm xả nước hồ Tây để đơn vị chuẩn bị kỹ hơn.
Thời gian thí điểm dự kiến kéo dài đến ngày 17/7 nhưng phía Nhật Bản đã gửi công văn xin lùi thời hạn đến ngày 17/9 với lý do là "toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các thiết bị kích hoạt trong gần hai tháng trước đã bị cuốn trôi" sau khi Hà Nội xả 1,5 triệu m3 nước từ Hồ Tây vào.