Sáng 30/11, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội giao Hội Liên hiệp phụ nữ quận Đống Đa tổ chức chương trình “Truyền thông hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024”.
Năm 2024, chủ đề ngày Thế giới phòng, chống AIDS là: “Bảo đảm nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe”. Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12), Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm phát động trong cả nước Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 từ ngày 10/11 đến ngày 10-/12/2024 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
Hội Liên hiệp phụ nữ quận Đống Đa cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện sự cam kết thông qua việc xây dựng và thực hiện các chính sách cụ thể nhằm đảm bảo mọi người dân, bao gồm cả các nhóm nguy cơ cao, đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng và bình đẳng.
Tuy nhiên, một số rào cản vẫn đang tồn tại trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, chủ yếu do sự kỳ thị, phân biệt đối xử, và hạn chế về tài chính. Chủ đề năm nay đã thể hiện quyết tâm cũng như nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội và mỗi người phụ nữ Thủ đô trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố, các cấp Hội phụ nữ đã tích cực phối hợp với lực lượng chức năng tại địa phương tham mưu hỗ trợ hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận tốt nhất với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Để đạt được mục tiêu đề ra là chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội kêu gọi các hội viên, phụ nữ và nhân dân Thủ đô Hà Nội cùng chung tay, nỗ lực tuyên truyền, xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS.
Tại chương trình, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Đống Đa tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng chống HIV/AIDS; giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS; tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Bên cạnh đó, nhằm thể hiện quyết tâm chung tay cùng Thủ đô và đất nước trong việc thực hiện cam kết chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030, Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội phát động phụ nữ Thủ đô đạp xe tuyên truyền, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024.
Trước đó, ngày 29/11, Quận Cầu Giấy tổ chức mít tinh, diễu hành hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Theo thống kê của TTYT quận Cầu Giấy, trong 11 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn quận ghi nhận 26 bệnh nhân mới (đạt 173% chi tiêu năm), trong đó, 14 trường hợp đã được kết nối điều trị ARV; tư vấn trước xét nghiệm HIV tự nguyện 352 lượt người, trong đó lấy mẫu xét nghiệm được 318 lượt người.
Tính đến ngày 20/11/2024, lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS của quận Cầu Giấy là 774 người, số người nhiễm còn sống là 582 người trong đó số người nhiễm HIV theo dõi và quản lý được điều trị ARV là 330/365 (đạt 90,4%). Số trường hợp được điều trị thay thế nghiện dạng thuốc phiện bằng Methadone là 82 (đạt 102,5% so với chỉ tiêu năm).
Hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, tất cả các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân quận Cầu Giấy tích cực tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS; tuyên truyền để mọi người dân, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao thấy được lợi ích cũng như trách nhiệm của họ trong việc xét nghiệm phát hiện HIV sớm, lợi ích của việc tham gia bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh đối với người nhiễm HIV.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đề nghị TTYT quận Cầu Giấy tham mưu cho Ban Chỉ đạo 89 quận có kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu phòng chống HIV/AIDS cụ thể và phù hợp với tình hình của địa phương với những chỉ tiêu cụ thể giao cho từng phường. Bám chắc 3 trụ cột trong phòng chống HIV/AIDS: Dự phòng – Xét nghiệm – Điều trị; tăng cường phối hợp với các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, y tế tư nhân trong việc tiếp cận quần thể đích để cung cấp dịch vụ từ dự phòng đến điều trị và chăm sóc toàn diện; chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, ngành, đoàn thể; các phường chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao, tăng cường tiếp cận và tư vấn xét nghiệm HIV, động viên người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV; đảm bảo 100% người nhiễm HIV sinh sống trên địa bàn có thẻ bảo hiểm y tế và tham gia điều trị ARV bằng thẻ bảo hiểm y tế...
Dịp này, TTYT quận Cầu Giấy đã tổ chức truyền thông trực tiếp và truyền thông lưu động, diễu hành trên các trục đường chính tuyên truyền các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo mục tiêu mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS. Đồng thời, kêu gọi nhân dân quận Cầu Giấy tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, góp phần đảm bảo cho sự phát triển của thành phố cũng như đảm bảo sự ổn định của quận.
Ngày 28/11, TTYT thị xã Sơn Tây tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với 150 người tham dự.
Năm 2024, thị xã Sơn Tây đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phòng thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 98 trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đó là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 98% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
TTYT Sơn Tây đã tổ chức các hoạt động xét nghiệm HIV cho 2672 người; phối hợp với các nhóm tiếp cận cộng đồng triển khai các hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS như: Tư vấn xét nghiệm HIV, dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, dự phòng HIV/AIDS bằng các phương tiện an toàn như cấp phát bơm kim tiêm, điều trị dự phòng nhiễm HIV bằng thuốc Prep, điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV).
Tổ chức truyền thông trực tiếp trong cộng đồng, trong trường học, trong tháng 11/2024 đã tổ chức 10 buổi truyền thông về nguy cơ lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục không an toàn, chống phân biệt, kì thị và sử dụng chất cấm cho 1000 học sinh tại các trường THPT trên địa bàn thị xã. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên nền tảng số, mạng xã hội Zalo, Facebook và phát thanh trên hệ thống loa đài xã, phường về công tác phòng, chống bệnh, những nguy cơ, hậu quả mà bệnh mang lại cùng với chính sách pháp luật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, TTYT Sơn Tây hiện đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế Methadone cho 178 người, kết hợp kiểm tra, quản lý sức khỏe thường xuyên cho nhóm người bệnh để có sức khỏe tốt nhất hòa nhập cộng đồng.
Không chỉ dừng lại ở việc truyền tải thông điệp, chia sẻ các vấn đề trong công tác phòng, chống bệnh HIV/AIDS tại hội nghị, gần 100 đoàn thanh niên, cán bộ y tế cùng các ban ngành đoàn thể đã tham gia diễu hành qua 13 tuyến phố trong thị xã với các biểu ngữ, pano,… tuyên truyền, cổ động về tháng hành động phòng chống HIV/AIDS và phát thanh lưu động để người dân cùng nâng cao nhận thức và chung sức hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.