Hà Nội là một hình ảnh của tương lai đất nước! Hà Nội luôn là niềm tin yêu và hy vọng của hôm nay và mai sau... Đó là tình yêu của người dân mọi miền Tổ quốc hướng về Thủ đô, với ước vọng trong trái tim về Thủ đô hiện đại, phát triển vượt bậc mọi mặt, về kinh tế, văn hóa và xã hội dân sinh. Hà Nội còn là nơi hội tụ của những con đường đi về mọi miền Tổ quốc, hướng tới chân trời mới.
Cầu và đường Hà Nội
Thật thú vị thay, bên cạnh một Hà Nội 36 phố phường, cùng hình ảnh “Sáng mát trong như sáng năm xưa. Gió thổi mùa thu hương cốm mới” (Nguyễn Đình Thi), ai cũng có thể hình dung ra một Hà Nội mới, đầy triển vọng qua những dự án đô thị, dự án công nghiệp lớn và những đại lộ mới. Đáng chú ý, cùng với việc khai thông cầu Nhật Tân (2015) là hàng loạt các dấu ấn công trình khác đã ra đời, được người dân tham gia và hưởng lợi. Ta có thể vẽ nên một hình con rồng vàng nối trục đường từ công trình nhà ga T2, Sân bay quốc tế Nội Bài, qua đại lộ Võ Nguyên Giáp trở về cầu Nhật Tân, để vào thành phố. Đường Võ Nguyên Giáp có mặt cắt rộng từ 80-100m và 6 làn xe chạy. Tổng chiều dài 15km (12km đường và 3km cầu Nhật Tân). Đặc biệt, cầu Nhật Tân còn là một công trình kiến trúc đẹp tạo cảnh quan cho thành phố với hạng mục cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á. Trục đại lộ này là niềm tự hào của người dân Hà Nội mở đầu cho một kế hoạch 5 năm tới của Thủ đô phát triển với tốc độ vũ bão. Cùng với đó là các cầu vượt sông Hồng khác cũng được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong thời gian qua như cầu Đông Trù kết nối với Đường 5 lên thẳng Nội Bài và các tuyến đường về phía Bắc. Hay cầu Vĩnh Thịnh, mối nối thông suốt từ đại lộ Thăng Long qua thị trấn Sơn Tây, vượt sông Hồng sang Việt Trì. Một con đường về nơi đất tổ. Vậy là Hà Nội đã có 7 cây cầu lớn, hiện đại vượt sông Hồng tạo nên những đầu mối giao thông rộng khắp. Đó là 7 nốt nhạc tấu lên khúc nhạc mùa xuân, những cung đàn âm vang hồn thiêng đất nước.
Nút giao Âu Cơ.
Nếu cầu là những nốt nhạc thì những cung đường và đại lộ được ví như những giai điệu được tấu lên rộn ràng trong bản giao hưởng về đất nước. Những cung đường mới tạo nên những huyết mạch giao thông chưa từng có. Đầu tiên là đại lộ Thăng Long (hoàn thành tháng 10/2010) khai thông cho một mối giao thông phát triển tới những miền nông thôn ngày càng đổi mới. Sau đó là cung đường của Dự án Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm. Đây là tuyến đường trên cao hiện đại nhất Hà Nội. Tuyến đường này ngoài đi tới các liên vùng của nội đô thành phố, còn kết nối với các đầu mối đường bộ như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 5, Quốc lộ 18, đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, kể cả đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài... Mới đây, Hà Nội còn có những đường cao tốc mới cũng đã khai thông với những lợi ích to lớn như cao tốc Hà Nội - Lào Cai; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Hà Nội - Hải Phòng. Ấy là còn chưa kể đến những tuyến đường sắt đô thị trên cao đang dần hoàn thiện như Hà Đông - Cát Linh; Nhổn - Ga Hà Nội, hứa hẹn một loại hình vận tải hiện đại, góp phần làm giảm ách tắc giao thông trên toàn thành phố... Nối tiếp, các năm sau những cây cầu và những cung đường mới của Hà Nội cần phải triển khai, tu bổ và nhanh chóng hoàn thiện. Đó là các tuyến đường vành đai 1, vành đai 2 và vành đai 2 trên cao, kể cả trục đường Hoàng Quốc Việt kéo dài và tu bổ đường 6 lên Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu, Điện Biên... Bởi đó là những con đường nằm trong mối giao thương quan trọng của Hà Nội đi tới nhiều địa phương phía Tây Bắc.
Nhìn vào bản đồ giao thông mới của Hà Nội ta có thể đánh giá được những thành tựu sau 8 năm sáp nhập và mở rộng Thủ đô. Đó là một quyết định đúng đắn của Đảng bộ Thủ đô. Nhiều nhà kinh tế lớn trên thế giới đã nhận định, muốn biết đời sống dân sinh và sức mạnh nền kinh tế của một trung tâm kinh tế thì hãy nhìn qua hệ thống giao thông của nơi đó. Bởi những con đường luôn dẫn con người hướng tới chân trời mới và chúng cũng là nơi hội tụ, có sức mạnh kêu gọi mọi mối liên kết, đầu tư và thương mại. Đó là những con đường dẫn tới sự giàu có và tạo dựng cơ sở cho một xã hội văn minh. Đúng như nhận định của Đảng bộ Thành ủy Hà Nội đã nêu trong tổng kết của Đại hội lần thứ XVI, mà các chuyên gia kinh tế đã quyết định, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống giao thông, phát triển hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng, đường sắt đô thị, xây dựng một số tuyến đường nhiều tầng từ vành đai 4 trở vào.
Cầu Nhật Tân.
Niềm tin và hy vọng
Gương mặt Thủ đô đang ngày một nguy nga tráng lệ. Những khu đô thị mới thuộc các quận huyện đang mọc lên những tòa nhà cao hàng chục tầng và những công trình văn hóa dân sinh ngày một dày đặc. Thành ủy Hà Nội đã có những quyết định sáng suốt khi chọn 3 khâu đột phá để tập trung thực hiện trong 5 năm tới, trong đó có khâu đầu tiên là phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn. Đặc biệt là những con đường. Bởi những con đường dẫn tới thiên đường. Nếu không có những con đường lớn ắt sẽ chẳng thể có những tòa nhà cao ốc chọc trời và những đô thị vệ tinh dày đặc những khu chung cư cao cấp ở ngoại vi Hà Nội. Và, đó cũng là những con đường huyết mạch của sự sống, lao động và phát triển văn hóa, nếp sống đô thị hiện đại. Đó là những cung đường khám phá và hội nhập với các nước cộng đồng quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, một màu sắc mới của Thủ đô đang hiển hiện một triển vọng tươi sáng, rạo rực sức sống.
Sự sáp nhập mở rộng tạo nên một Hà Nội rộng lớn, đầy tiềm năng phát triển công nghiệp và các cở sở về giáo dục, khoa học công nghệ. Chính vì những yêu cầu khách quan đó mà hình ảnh nông thôn mới đã được đổi thay với sắc màu mới. Đó là những vi mạch thông suốt trong một cơ thể khỏe mạnh và dồi dào sức sống. Theo thống kê hết sức lạc quan, tỷ lệ xã có đường ôtô đến trụ sở được bê tông hóa đạt 100%, hơn nữa đường trục thôn và liên thôn được bê tông hóa đạt 95%. Đó là những con đường màu hồng tạo tiền đề vững chắc của một vùng nông thôn Thủ đô. Chúng hình thành những dòng nhạc phối cho bản giao hưởng đất nước mỗi ngày một bay bổng và lãng mạn hơn. “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” hàng ngày vang lên với mọi cung bậc hào sảng sáng lạn.
Cùng với những cây cầu và những khu đô thị vệ tinh đang được hình thành, Hà Nội đã hiện lên những cung đường mới. Chúng đã được gắn tên mới với 28 phố và 6 cung đường mở rộng đi khắp bốn phương. Nếu nhìn Hà Nội từ trên cao, nhiều người đã chụp được những bức ảnh hết sức thú vị về những con phố mới như những giây âm thanh hòa với cung đàn muôn điệu 36 phố cổ. Những con phố đẹp với những hàng cây con mới trổ búp như phố Thép Mới, Tố Hữu, Đoàn Khuê, Bạch Thái Bưởi... Đó là những cái tên phố vang lên như những bài thơ bên những phố Hàng xưa nhộn nhịp với bài xẩm tàu điện bên chợ Đồng Xuân. Đặc biệt nếu kéo ống kính viễn vọng lớn ta có thể nhìn thấy khu đô thị Việt Hưng, với hàng chục tòa nhà cao tầng thật sự khang trang, chuẩn bị đón 6.500 hộ trong khu phố cổ chuyển đến. Trong một tương lai gần, Hà Nội còn có nhiều mô hình vận chuyển dân sinh để phát huy được thế mạnh về những long mạch mới đang hình thành cả bốn phương của miền đất có phong thủy, núi sông sau trước. Một hình ảnh lung linh về Hà Nội của Dự án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Vĩ thanh
Hà Nội là một thành phố Hòa bình và cũng là một thành phố Anh hùng với bao chiến tích vẻ vang cùng với ngàn năm văn hiến đang ngày một lớn mạnh. Sắp tới Hà Nội còn phải đứng trước một thử thách và cũng là cơ hội trở nên ngày càng thịnh vượng, khi công cuộc hội nhập kinh tế khởi động. Hà Nội cần phải có những con đường rộng lớn để đón chờ luồng gió mới tràn đến, và người dân Thủ đô cũng cần phải xây dựng con đường trong tư tưởng của mình, sẵn sàng đổi mới, chấp nhận đào thải và cải tạo chính mình để theo kịp thời đại. Đúng như trong bản báo cáo trước Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI có nêu: “Giai đoạn phát triển mới của đất nước và của Thủ đô đã mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi, cùng với những khó khăn, thách thức đan xen...”. Và, đứng trước cơ hội và thách thức đó, Hà Nội ngàn năm văn hiến sẵn sàng hòa nhập với các nước trong khu vực, cởi mở và thân thiện. Phía trước những con đường là chân trời. Đó cũng chính là con đường dẫn tới vườn hoa xuân mãi mãi xanh tươi.